Tôi tin vào điều này. Cầu vượt khi đó không chỉ là lối đi trên cao (vẫn đang thưa thớt người qua lại ở TP.HCM) mà là sự lựa chọn hợp lý nhất, an toàn nhất với hành khách đi tàu điện.
Tàu điện sẽ đi một đoạn rất dài qua xa lộ Hà Nội. Thực tế giao thông trục đường này xe nườm nượp hai chiều, đường rộng, xe chạy nhanh.
Sẽ rất bất an với người đi bộ tìm cách băng ngang qua con đường rộng lớn này. Chưa kể cố đi bộ băng qua sẽ vi phạm luật vì nhiều đoạn có dải phân cách (bằng bê tông, hàng rào hoặc hàng cây, bồn cỏ).
Vậy nên, cầu vượt băng ngang là giải pháp tốt nhất vì sự an toàn và tiện lợi cho hành khách. Đi trên cầu vượt này, hành khách dễ dàng đến trạm gần nhất từ bên kia đường.
Đồng thời hành khách sẽ dễ dàng từ trạm metro để đến các trạm buýt, các khu dân cư ở cùng phía và ở phía bên kia đường.
Cầu vượt sẽ sẵn sàng khi tàu điện bắt đầu khai thác, đây là một tin mừng với những hành khách tuyến tàu điện đầu tiên tại TP.HCM. Đó là sự hợp lý.
Tiến độ xây cầu vượt không thể chậm trễ hơn tiến độ những công đoạn cuối cùng trước khi tàu điện bắt đầu đưa đón khách.
Và hành khách sẽ quen mắt, quen chân, thành thói quen hằng ngày đi trên cầu vượt nối liền ga tàu điện. Vì một lẽ đương nhiên, đó là sự lựa chọn tốt nhất.
Nếu khách đi và đến ga bên phần đường cùng phía với đường tàu, vẫn cần cầu vượt để có thể lên nhà ga trên cao. Phần cầu vượt cùng phía đường tàu sẽ đưa và tiễn khách giữa ga và trạm buýt, điểm lên cầu vượt gần ga nhất.
Đây cũng là sự lựa chọn an toàn nhất cho hành khách đi metro. Hành khách metro có lối đi riêng, không phải nơm nớp lo lắng khi băng qua đường đến nhà.
Đồng thời, với những cầu vượt này, việc vận hành tàu điện không cản trở hay xáo trộn gì trật tự cho giao thông trên mặt đất.
Và tương tự với những lối đi từ mặt đất đến trạm tàu điện dưới lòng đất cũng vậy thôi. Hành khách không có lựa chọn khác. Không bao lâu nữa, khách sẽ đi trên cầu vượt đó để đến với những chuyến tàu điện.
Không cần phải băn khoăn về sự hữu ích hay có lãng phí không với những cầu vượt này bởi không có cầu vượt không được.
Vấn đề còn lại là mỗi hành khách sẽ dần làm quen với những cây cầu vượt này, không đi cầu vượt bạn đi lối nào? Cũng như việc đi xuống các ga trong lòng đất, nhất định sẽ đi theo lối đi riêng cho hành khách tàu điện.
Thời gian không còn nhiều để cùng trông đợi những cây cầu vượt mới sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Cùng với đó là việc thiết kế, trang trí, quản lý vận hành những cầu vượt này, sao cho cầu vượt sẽ thành lối đi thú vị nhất, hiện đại nhất. Và ai đi trên lối đó cũng vui vẻ, an tâm.
TTO - 10 cầu vượt bộ hành sẽ được xây dựng qua trục đường xa lộ Hà Nội và Điện Biên Phủ, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đến các nhà ga metro.