Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào tuần trước.
Theo đó, các ngân hàng giảm trung bình 0,5% một năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng, tương ứng mức giảm của Ngân hàng Nhà nước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hệ thống ngân hàng đã giảm trung bình 0,2-0,3% một năm so với cách đây hai tuần.
Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã giảm tới 0,4% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về mức 6,8-7% một năm.
Mức lãi suất niêm yết tại phần lớn nhà băng tư nhân hiện nay cũng không quá 8% một năm. Một số đơn vị trả cao nhất thị trường, dao động từ 8,2% đến 8,5% một năm gồm GPBank, SeABank, ABBank, VietABank và PVCombank...
Nếu cách đây hai tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì hiện nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5% một năm.
Tính đến 28/5, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5% một năm. Lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 7% một năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4% một năm. Người gửi tiền sẽ được lợi hơn khi gửi tiền trực tuyến, với lãi suất trung bình 7,4% một năm kỳ hạn 6-9 tháng và 7,7% một năm kỳ hạn một năm.
Ngân hàng Nhà nước hôm 25/5 đã giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm. Đây là lần thứ hai nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đây là bước đi quan trọng để định hướng xu hướng giảm lãi suất cho thị trường, theo nhà điều hành. Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dưới đây là mức lãi suất ngân hàng sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.
Quỳnh Trang