Những tưởng đầu tư công sẽ bùng nổ nhưng thực tế không phải vậy. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết quý I/2023, ước giải ngân vốn đầu tư công vào khoảng 73.192 tỉ đồng, tương đương 9,69% so với kế hoạch.
Còn theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc giải ngân vốn đầu tư công tuy có cải thiện nhưng tỉ lệ giải ngân ước tính của 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân và khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm nay.
Trên thực tế, nếu thúc đẩy được đầu tư công cho "ngon lành", ít nhất đạt được 95% như mục tiêu của Chính phủ, số vốn lớn này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả phát triển một số mặt. Cụ thể, đầu tư công đúng mực sẽ giúp tạo ra công việc mới, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. Điều này giúp cải thiện mức sống và giảm độ bất ổn trong xã hội. Đặc biệt, đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó cung cấp các điều kiện cơ bản để hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, khi đầu tư công vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu có thể nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của lao động, từ đó tăng cường năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia; khuyến khích sáng tạo, đổi mới công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp mới. Điều này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, đầu tư công khi dùng không đúng sẽ gây ra những bất lợi. Đó là nợ công và tài chính không ổn định, tạo gánh nặng tài chính cho quốc gia. Có thể xảy ra tình trạng thất thoát vốn và nguồn lực do sự lãng phí hoặc tham nhũng trong quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, nếu không có sự quản lý hiệu quả, đầu tư công có thể dẫn đến việc tiêu tốn nguồn lực mà không đạt được kết quả mong đợi. Một lượng lớn đầu tư công có thể gây ra sự canh tranh không công bằng với các doanh nghiệp tư nhân.
Khi đầu tư công không được quản lý và kiểm soát một cách nghiêm ngặt, có thể xảy ra vấn đề liên quan đến kỷ luật tài chính. Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, dự án không hoàn thành, hoặc việc sử dụng không hiệu quả nguồn tài chính công.
Nếu chi phí duy trì và vận hành cơ sở hạ tầng không được quản lý tốt, ngân sách công có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu khác như chăm sóc y tế, giáo dục và an ninh. Do đó, để tận dụng lợi ích của đầu tư công và tránh những hệ quả tiềm tàng cần quản lý chặt chẽ, luôn minh bạch, tránh xin - cho và giám sát đúng đắn là rất quan trọng.
Xem thêm: mth.78914220282503202-gnoc-ut-uad-yad-cuht-iahp-oas/et-hnik/nv.moc.dln