Cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp tổ chức thành công lễ hội xoài. Mục đích chính của lễ hội là nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu xoài Đồng Tháp đến thị trường trong và ngoài nước; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp (DN) và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài.
Làm thương hiệu cho xoài Đồng Tháp
Trong chuỗi hoạt động của lễ hội xoài, tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng 3 DN phân phối lớn gồm: Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail tổ chức Tuần hàng xoài Đồng Tháp để giới thiệu các loại xoài Đồng Tháp chính gốc đến người dân TP HCM cùng một số tỉnh, thành khác. Qua sự kiện này, hàng trăm tấn xoài cát Hòa Lộc, cát Chu... chính hiệu đã được các hệ thống phân phối tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Quan trọng hơn, những trái xoài chuẩn chất lượng cao từ "vựa xoài của miền Tây" đã hoàn toàn chinh phục vị giác lẫn túi tiền người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 14.000 ha trồng xoài, sản lượng đạt gần 137.000 tấn/năm. Để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu xoài, tỉnh đã chủ động đăng ký mã số vùng trồng và mở rộng diện tích đạt chứng nhận VietGAP. Đến nay, Đồng Tháp có 296 vùng trồng xoài với diện tích hơn 8.200 ha được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang những thị trường như: Trung Quốc, Úc, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga và Singapore. Tỉnh cũng kêu gọi DN hợp tác khai thác, tiêu thụ tại thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, cho biết thêm năm nào cũng vậy, mùa xoài chính vụ vào tháng 4, cũng là mùa vụ của nhiều loại trái cây khác nên có sự cạnh tranh dẫn đến sụt giảm về giá. Trong khi đó, từ tháng 1 đến tháng 3 có nhiều lễ hội nên tiêu thụ xoài rất tốt. "Tỉnh đang có chiến lược xây dựng dần để nông dân canh tác xoài sớm vụ, bán xoài được giá hơn" - ông Điền cho hay.
Xoài cát Hòa Lộc, cát chu của Đồng Tháp tiêu thụ mạnh trong Tuần hàng xoài Đồng Tháp do hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tổ chức. Ảnh: THANH NHÂN
Đổi mới khâu xúc tiến
Cũng nhờ làm tốt khâu xúc tiến mà câu chuyện giải cứu vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) giờ đã là dĩ vãng của gần chục năm trước. Những năm gần đây, trái vải thiều đặc sản vùng Lục Ngạn đã có được đầu ra ổn định nhờ chính quyền địa phương xây dựng nhiều phương án tiêu thụ, đa dạng các thị trường để hạn chế rủi ro.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt sản lượng trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20-5 đến 30-7. Tỉnh có 110 mã số vùng trồng với 16.034 ha và 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Năm nay, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều có điểm đổi mới, thay vì tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chuyển sang kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với DN ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình chế biến và tiêu thụ vải thiều. Song song đó là đẩy mạnh tập huấn cho nhà vườn HTX, DN xuất khẩu về các quy định của hải quan Trung Quốc để xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt hồ sơ cho hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh Việt Nam và đến Bắc Giang để tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Dự kiến, toàn tỉnh sẽ tiêu thụ khoảng 81.000 tấn vải thiều ở thị trường nội địa (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng). 55% sản lượng còn lại dự kiến tiêu thụ tập trung tại thị trường truyền thống là Trung Quốc và một số quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia...
Theo một chuyên gia kinh tế, xúc tiến thương mại là một trong những điểm yếu của phần lớn DN, HTX trong tiêu thụ nông sản. Do đó, cần có giải pháp chung từ phía chính quyền nhằm hỗ trợ nông dân, thương nhân, DN trong nước xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Chuyên gia này cho rằng thay vì để nông dân, HTX, DN tổ chức sản xuất theo kiểu tự phát, phong trào, tự xoay xở tìm khách hàng, tổ chức xuất khẩu và phập phù với những rủi ro phát sinh từ hải quan nước bạn, địa phương có thể làm ngược lại. Cụ thể là quy hoạch, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin cụ thể về chủng loại, sản lượng dự kiến, mùa vụ khai thác… cho các nhà mua hàng quốc tế, đặc biệt là nhà mua hàng Trung Quốc. Đến mùa thu hoạch thì tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, ký kết biên bản hợp tác giữa tỉnh/huyện với các nhà thu mua, phân phối, sàn thương mại điện tử lớn đồng thời tạo điều kiện cho họ đến giám sát, thu mua, chế biến và tổ chức phân phối ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Vận chuyển và bảo quản còn yếu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Paul Le, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết đang lên kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng vải thiều, trong đó có xuất khẩu sang Thái Lan. "Vải thiều của Việt Nam ngon nhất thế giới, giá bán tại các nước châu Âu có thể đạt 15-16 euro/kg (khoảng 400.000 đồng/kg) nhưng còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng đi xa và giữ được nguyên chất lượng khi hàng trên kệ. Việt Nam quen xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc, thị trường gần nên cần tiếp tục cải tiến để đưa hàng sang các thị trường xa, có giá cao hơn" - ông Paul Le nhận xét.
Nhìn rộng hơn, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam nhận xét lâu nay nông sản Việt Nam chưa quen với việc ra thế giới bán hàng mà đợi người mua đến mua hàng tại chỗ nên giá bán không cao. "Muốn bán hàng trực tiếp, các DN phải nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài, đóng gói, bao bì theo quy cách quốc tế… Ví dụ, muốn bán mì gói cho Thái Lan thì sản phẩm phải cay hơn, nhiều gia vị hơn..." - ông Paul Le dẫn chứng.
Xem thêm: mth.7515020282503202-nas-gnon-uht-ueit-neit-cux-ed-yah-hcac/et-hnik/nv.moc.dln