Hôm nay 29-5-2023, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện (1983-2023). Khó ai có thể tưởng tượng vùng đất khô cằn, nghèo đói ngày nào giờ đã trở thành vùng đất giàu có vượt bậc.
Một góc huyện Hàm Thuận Nam. |
Thị trấn…đèn hột vịt
Ngày 1-6-1983, huyện Hàm Thuận Nam được thành lập từ 3 xã của huyện Hàm Tân và 6 xã của huyện Hàm Thuận, tỉnh Thuận Hải.
“Gia tài” của huyện chẳng có gì ngoài con đường QL1 đi ngang qua dài 33 cây số xuống cấp, cũ nát và nạn phá rừng đứng nhất nhì tỉnh.
Đường xuống xã Tân Thành, địa chỉ du lịch nổi tiếng hiện nay đầy cát trắng và thỉnh thoảng có chiếc ô tô đi ngang, trẻ con thời đó luôn vui mừng giành những đoạn có dấu bánh xe hằn trên cát để ngắm nghía, vui chơi vì hiếm dữ lắm.
Hải đăng Kê Gà (Tân Thành, Hàm Thuận Nam) địa chỉ du lịch nổi tiếng. |
16 năm sau ngày thành lập huyện, năm 1999, huyện Hàm Thuận Nam mới sở hữu được một thị trấn huyện lỵ cho bằng chị bằng em. Thuận Nam được thành lập và gọi là thị trấn nhưng thực chất hồi đó thị trấn…đèn hột vịt.
Ngày đó đúng là thị trấn này chưa có đèn đường, thậm chí đèn thắp sáng vẫn còn nhiều nhà chưa có, đa phần đều thắp sáng bằng đèn dầu “hột vịt” vàng vọt và ảm đạm.
Ngày đó nếu có đốt đuốc đi dọc QL1A từ cây số 30 đến hết cây số 28 thì cũng chẳng bói ra được căn nhà lầu đúng nghĩa. Người dân luôn bám lấy quốc lộ làm nhà ở nhưng nhà cửa theo kiểu lúp xúp trồi lên sụt xuống trông thật tội nghiệp.
Màu xanh bên những hố bom
Nếu so sánh với các thị trấn khai sinh cùng ngày 15-6-1999 ở Bình Thuận thì thị trấn Thuận Nam chỉ nhỉnh hơn Ma Lâm một chút về diện tích tự nhiên. Còn lúc đó nhân khẩu thua cả Ma Lâm và diện tích tự nhiên lẫn nhân khẩu thua hết từ Võ Xu, Đức Tài (Đức Linh) đến Lạc Tánh của huyện Tánh Linh.
7 năm sau ngày thành lập, năm 2006, thị trấn Thuận Nam mới có đèn đường. Nhiều ông già, bà già sống ở đây mấy chục năm qua cứ ra đường ngước nhìn đèn cao áp, xúyt xoa như không tin vào mắt mình.
Một góc thị trấn Thuận Nam. |
Cánh đồng ông Bỉnh ngày nào đầy muỗi mòng, ếch nhái giờ đã quy họach thành khu dân cư dù vẫn còn lỗ chổ và cũng còn khá nhiều điều để nói nhưng dáng dấp của một đô thị đã hình thành.
Vài năm trở lại đây, thị trấn Thuận Nam dù tài nguyên không có gì vậy mà người dân ở đây lại có thể làm giàu và giàu nhanh một cách chóng mặt. Đặc biệt hơn nữa là làm giàu từ nông nghiệp.
Trái thanh long lúc đầu được xem là trái “xóa đói giảm nghèo” sau đã trở thành trái của “đại gia”. Với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, không có thanh long nào có thể qua mặt về độ ngon, ngọt so với thanh long Hàm Thuận Nam nói chung và được xem là thủ phủ của trái thanh long Việt Nam.
Người người trồng thanh long, nhà nhà trồng thanh long. Người ta trồng nhiều đến nỗi tỉnh Bình Thuận đã định ngăn chặn không cho trồng thanh long trên đất ruộng lúa để đảm bảo an ninh lương thực.
Cây thanh long từ cây "xóa đói giảm nghèo" đã trở thành cây trái làm giàu ở đây. |
Còn nhớ lúc đó là đầu năm 2001, chúng tôi đã viết một bài về vấn đề này, cho rằng ruộng lúa ở Hàm Thuận Nam chỉ là ruộng một vụ, manh mún, nhờ nước trời nên nếu có trồng thanh long thì chẳng ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực.
Nếu đó là ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hay ruộng lúa Đồng bằng Bắc Bộ thì còn có thể nói. Đằng này người dân ở đây đã mạnh dạn thay đổi cây trồng cho hiệu quả thì nên khuyến khích họ.
Cái mà chính quyền nên quan tâm là khuyến khích bà con trồng bằng trụ bê tông thay cho trụ gỗ để tránh vấn nạn triệt phá hủy họai rừng. Thanh long từ đó được trồng trên ruộng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm đem về hàng triệu USD.
Ít có ở đâu mà nông dân làm ăn có tiền lại đổ xô sắm xe hơi như ở Thuận Nam. Từ trái thanh long người ta đã sắm Lexus, Mercerdes, Camry… đời mới. Sáng, xe hơi láng cóong đậu đầy ở các quán cà phê với thiết kế không thua gì ở các thành phố lớn.
Một quán cà phê ven QL1A ở Hàm Thuận Nam. |
Nhiều làng tỷ phú, nhiều làng biệt thự tiền tỷ đua nhau mọc lên san sát. Container đậu cắn đuôi từng đoàn chờ đưa thanh long đi xuất khẩu.
Khu F là một trong nhiều khu dân cư ở Ba Tuy, Bình Tuy (nay là khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam) nơi 48 năm trước, ngày 10-3 năm Ất Mão (20-4-1975), 22 thường dân đang ăn cơm trưa bỗng trở thành nạn nhân khi 2 chiếc F5 bất ngờ bỏ bom, biến nơi đây thành vùng đất hoang tàn giờ đã lột xác hoàn toàn.
48 năm đã trôi qua, hiện trường hãi hùng trưa ngày 20-4-1975 đã không còn dấu vết gì của những hố bom và thay vào đó là những vườn thanh long xanh tốt, trĩu quả.
Tại đây không còn một chút vết tích gì của chiến tranh và người dân đã chung tay dệt nên màu xanh của giàu có, sung túc, an bình. Nhìn từ trên cao, thấp thoáng những ngôi nhà kiên cố, biệt thự lẩn trong những khu vườn thanh long xanh ngăn ngắt, nổi bật với lứa thanh long chín đỏ rực.
Giàu có và giàu có hơn nữa
Năm 2022, chỉ ở lĩnh vực thu ngân sách thuế thu nhập cá nhân, huyện Hàm Thuận Nam, một huyện non trẻ đã thu được gần 120 tỷ đồng mới thấy người dân ở đây giàu có như thế nào.
40 năm huyện Hàm Thuận Nam được thành lập, 21 năm thị trấn Thuận Nam hình thành. Nếu như trước đây, người dân phải ly hương, bỏ xứ ra đi mưu sinh thì bây giờ rất nhiều người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước chọn nơi đây là quê hương thứ hai để làm giàu.
Hàm Thuận Nam là huyện có 2 tuyến cao tốc đi qua. |
Cầu sông Đợt, cây cầu nín thở mà ai đi qua cũng lầm bầm cầu nguyện, đã từng có người rơi xuống tử vong, nay đã khởi công và hoàn thành với dự toán hơn 10,5 tỷ đồng.
Hàm Thuận Nam cũng là huyện hiếm hoi trong cả nước có 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đi qua, là nút giao quan trọng kết nối giữa Bình Thuận và Đông Nam Bộ.
Ngoài QL1, cao tốc, đường sắt Bắc -Nam đi qua, Hàm Thuận Nam còn sở hữu bờ biển dài gần 25 cây số tuyệt đẹp và hoang sơ.
Với quá nhiều lợi thế về giao thông vĩ mô cùng với vùng chuyên canh thanh long trù phú, người dân cần cù, làm giàu giỏi, nếu được đầu tư thêm về giao thông nội vùng, kết nối thông suốt với nhau, Hàm Thuận Nam chắc chắn sẽ giàu có và giàu có hơn bây giờ.