Sự trả giá quá đắt, quá lớn
Phát biểu thảo luận về báo cáo giám sát COVID-19 tại Quốc hội sáng 29-5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận định đại dịch COVID-19 vừa qua "ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh" nên không thể quên sự đóng góp của các lực lượng, nhân dân, nhất là lực lượng y tế.
Tuy nhiên, ông chỉ ra báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế khi đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Thậm chí có những sai phạm xảy ra trong các lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ...
"Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của công ty Việt Á, trong tổ chức cơ sở sản xuất kit xét nghiệm rất đau đớn, đáng lên án. Sự trả giá quá đắt, quá lớn", ông Trí phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu sáng 29-5 - Nguồn: THQH
Ông nêu quan điểm đồng ý "ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống COVID-19 thì phải xử lý nghiêm khắc", tuy nhiên cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai sai sót nhưng không phải vụ lợi mà để kịp thời chống dịch, nhằm lợi ích của cộng đồng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.
Đồng thời, nên sớm kết thúc điều tra vụ án để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện các công vụ mới.
Ông cũng đề nghị Bộ Y tế chú ý đến việc sản xuất kit xét nghiệm, vắc xin, Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, đặc biệt các nước quanh chúng ta.
Tuy vậy, theo ông, Việt Nam nên ngừng việc tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, vì giờ đã là quá muộn. Thay vào đó là tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân.
Hết dịch, hình ảnh "anh hùng áo trắng" cũng không còn
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nhận định qua dịch COVID-19 thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền, lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính. Thực tế đã có nhiều trường hợp bị xử lý nghiêm minh.
Nhưng ông Thông quan tâm hơn đến những bất cập trong thực tế giai đoạn hậu dịch. Đại biểu này kể lại câu chuyện liên quan đến tâm tư được bác sĩ kể lại khi đoàn đại biểu đi tiếp xúc cử tri.
Cụ thể, một bác sĩ kể trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình động viên nhau làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, ôxy, sinh phẩm để cứu sống người bệnh, bởi sinh mạng con người là quý nhất.
Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng. Tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng đã không còn nữa.
"Nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của các bác sĩ, nhà quản lý y tế hiện nay lại là chuẩn bị các nội dung giải trình cho các cơ quan chức năng", ông Thông phản ánh.
Ông kể tiếp: Bác sĩ này cảm ơn Trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên nhiều trường hợp không vướng vòng lao lý. Nhưng nếu "chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu".
Đai biểu cũng nêu một nỗi lo đau đáu khác với các y, bác sĩ là làm sao trả nợ cho các doanh nghiệp.
"Những vật tư y tế, ôxy thuốc men... trong quá cấp thiết đã mượn trước để cứu chữa cho bệnh nhân. Bây giờ các doanh nghiệp liên tục đòi, hoàn trả nhưng không có cơ sở để trả", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ Việt Nam đã có đủ 3 điều kiện cơ bản, cần thiết để có thể yên tâm công bố hết dịch COVID-19.