Phi hành đoàn lần này của Trung Quốc gồm 3 người, trong đó có ông Quế Hải Triều (Gui Haichao, 36 tuổi), đến từ Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh (Đại học Beihang); Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng), người lần thứ 4 thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian và người cuối cùng là kỹ sư hàng không vũ trụ Chu Dương Trụ (Zhu Yangzhu).
"Khi biết chính phủ đang tuyển nhóm chuyên gia đầu tiên vào năm 2018, tôi đã nộp đơn ngay lập tức", ông Gui Haichao, đến từ tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, cho biết.
"Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi là phi hành gia dân sự đầu tiên của Trung Quốc bay vào vũ trụ".
Ông Gui cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo trì thiết bị mang theo, đồng thời thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu. Thiếu tướng Jing sẽ chỉ huy sứ mệnh và kỹ sư Zhu sẽ điều khiển tàu.
Ông Gui nhận bằng cử nhân và tiến sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Beihang vào năm 2009 và 2014. Sau đó, ông gia nhập Đại học York (Canada), rồi chuyển đến Đại học Ryerson ở Toronto (Canada) để nghiên cứu sau tiến sĩ.
Năm 2017, ông Gui trở lại Đại học Beihang, đảm nhiệm vị trí phó giáo sư, chuyên nghiên cứu về động lực học tàu vũ trụ và các ứng dụng của nó.
Theo báo South China Morning Post, trước sứ mệnh này, tất cả phi hành gia được chọn bay vào không gian đều là thành viên của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tàu Thần Châu 16 dự kiến phóng lúc 9h31 sáng 30-5 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan) ở miền tây bắc của Trung Quốc, sau đó hướng tới Trạm vũ trụ Thiên Cung.
Trạm vũ trụ Thiên Cung đang quay quanh Trái đất sẽ đóng vai trò như phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu không gian của Trung Quốc trong ít nhất một thập kỷ.
Phi hành đoàn sẽ ở lại trạm Thiên Cung đến tháng 11, cho đến khi các phi hành gia mới thay thế trong sứ mệnh Thần Châu 17.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc ca ngợi chuyến bay kéo dài 276 ngày của con tàu vũ trụ là một 'thành công' và một 'bước đột phá quan trọng'.