Thoả thuận dự kiến do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevn McCarthy thực hiện vào cuối tuần qua, nếu được Quốc hội thông qua vào những ngày tới thì Mỹ sẽ tránh được trường hợp xấu nhất là vỡ nợ. Tuy nhiên, thoả thuận này cũng có thể làm tăng nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong những quý gần đây, các khoản chi tiêu liên bang đã phần nào hỗ trợ đà tăng trưởng của nước Mỹ trước những “cơn gió ngược”. Song, thoả thuận mới có thể sẽ khiến động lực này “hụt hơi”. 2 tuần trước khi đạt được sự đồng thuận, các nhà kinh tế đã tính toán khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới là 65%.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của Fed, mức giới hạn chi tiêu mới sẽ là một yếu tố khác cần cân nhắc khi họ cập nhật dự báo tăng trưởng cùng lãi suất (được công bố vào ngày 14/6). Các trader trên thị trường hợp đồng tương lai cuối tuần qua dự báo NHTW không tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6 và thêm 1 lần tăng 0,25% vào tháng 7.
Các điều khoản giới hạn chi tiêu dự kiến sẽ được áp dụng từ năm tài khoá bắt đầu từ ngày 1/10. Theo dự đoán, tác động của thoả thuận này sẽ xuất hiện từ trước thời điểm trên, ví dụ như dừng thanh toán các khoản hỗ trợ Covid hay loại bỏ dần quy định cho phép nợ sinh viên được thanh toán trễ hạn. Những yếu tố này được cho là không ảnh hưởng đến GDP.
Tuy nhiên, khi giới hạn chi tiêu dự kiến được giữ ở mức của năm 2023, thì những điều kiện hạn chế mà thoả thuận áp đặt sẽ có tác dụng vào thời điểm nền kinh tế Mỹ có thể đang suy thoái. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán GDP sẽ giảm khoảng 0,5% trong cả quý III và IV.
Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại JPMorgan, nhận định: “Số nhân tài khoá (fiscal multiplier) thường cao hơn trong thời kỳ suy thoái. Do đó, nếu Mỹ suy thoái thì việc giảm chi tiêu tài khoá có thể tác động lớn đến GDP và thị trường lao động.”
Song, Feroli vẫn cho rằng Mỹ sẽ tránh được kịch bản suy thoái.
Khi nền kinh tế giảm tốc, điều chỉnh về chính sách tài khoá có thể được áp dụng song song với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Jack Ablin, CIO của Cresset Capital Management, cho hay: “Đây là bước tiến quan trọng. Đã hơn 1 thập kỷ kể từ khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài chính có cùng 1 hướng đi. Có lẽ, việc kiểm soát chi tiêu tài khoá sẽ là một yếu tố khác gây áp lực lên lạm phát.”
Dù Fed đã tăng lãi suất khoảng 5% kể từ tháng 3 năm ngoái, nền kinh tế Mỹ cho đến nay dường như vẫn chưa hạ nhiệt. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, ở mức 3,4% nhờ nhu cầu cao đối với người lao động. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có khoản tiền tiết kiệm từ đại dịch để mua sắm.
Theo đó, giới chức Fed sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố, vì ngoài tác động của thoả thuận trần nợ với triển vọng kinh tế, thì quyết định của họ cũng ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ cũng như vấn đề thanh khoản.
Bộ Tài chính Mỹ đã sử dụng hết số tiền mặt để thanh toán các khoản cần thiết, kể từ khi đạt mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1. Khi mức này bị đình chỉ theo luật sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phát hành thêm tín phiếu kho bạc để xây dựng lại “kho dự trữ”.
Việc một loạt tín phiếu kho bạc “chảy” ra thị trường, hệ thống tài chính sẽ bị “rút cạn” thanh khoản dù tác động vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Các quan chức Bộ Tài chính cũng có thể sắp xếp các đợt phát hành để giảm thiểu tình trạng gián đoạn.
Fed cũng buộc phải rút bớt thanh khoản khỏi thị trường, khi cắt giảm giá trị danh mục đầu tư trái phiếu với mức lên tới 95 tỷ USD mỗi tháng. Đây là một động thái mà các nhà kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ trong những tuần và tháng tới.
Về lâu dài, quy định hạn chế mức chi tiêu tài khoá mà các nhà đám phán đã vạch ra gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất ít đến khoản nợ liên bang. IMF tuần trước cho biết Mỹ sẽ cần giảm ngân sách xuống khoảng 5% GDP để “đưa nợ công đi xuống một cách mạnh mẽ vào cuối thập kỷ này”.
Tham khảo Bloomberg