Phát biểu thảo luận báo cáo giám sát phòng, chống COVID-19 chiều 29-5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng dịch COVID-19 là một phép thử để cho thấy hiện trạng, thực lực ngành y tế, từ đó có chính sách phù hợp.
Không biết bao giờ khắc phục được tình trạng thiếu thuốc
Thực tế đó, theo bà Lan, là việc huy động nguồn lực vẫn rất khó khăn. Trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều doanh nghiệp, người dân với tấm lòng vàng muốn đóng góp, nhưng đóng góp không dễ.
"Chúng tôi ở TP.HCM tâm dịch đã phải có những lời khuyên với doanh nghiệp, cơ sở muốn đóng góp là đề nghị đóng góp bằng hiện vật, chứ không đóng góp bằng tiền vì chúng tôi không xài được.
Tất cả những điều đó đã thành sự thực khi về sau này có hàng loạt thanh tra, kiểm tra. Cho nên phần nào cho thấy chúng ta đã tự làm khó mình", bà Lan nêu và đề nghị có giải pháp để các nguồn lực được sử dụng được một cách chính thức.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu chiều 29-5 - Nguồn: THQH
Trong quản lý, bà Lan chỉ rõ chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó, khó có thể thực hiện mua vắc xin.
Theo bà Lan, vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu sửa đổi đang được thảo luận, chưa thấy cách nào để gỡ rối.
"Đến nay trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vắc xin… thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được", bà Lan nêu.
Bà cũng chia sẻ thêm về những chính sách trong dịch giờ "nhìn lại thấy hơi vô lý: Trong lúc đang thiếu vắc xin, báo chí nói "chuyện ông nội, ông ngoại đi can thiệp để tiêm" thì lại không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho y tế công lập.
Hay khi cả cộng đồng đang sục sôi thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký cho thuốc này dù đã có tác dụng ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng mua bán bên ngoài, trên mạng, đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân…
Sau chiến thắng lại "trảm tướng", "thay tướng"
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị báo cáo cần cân bằng giữa xây và chống. Bà nói đồng ý tiêu cực phải chống nhưng cần xem đã quan tâm một cách đúng mức đến việc "xây dựng, bồi bổ" để ngành y tế mạnh hơn, có thể chống dịch sau này chưa.
"Phần xây làm rất chậm và chỉ tập trung phần chống, làm tôi liên tưởng đến một bệnh nhân thập tử nhất sinh, như đất nước chúng ta trong cơn đại dịch. Song thay vì bồi bổ để nâng cao thể trạng bệnh nhân thì tập trung từng đoạn, cắt bỏ phần hoại tử rồi cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết", bà Lan nói.
Bà Lan tiếp tục bày tỏ nỗi lòng về ngành y tế: "Phòng, chống đại dịch đã thu được rất nhiều thành quả, thế giới ghi nhận... Nhưng trước đây, chiến thắng về sẽ mừng công. Giờ chiến thắng về chúng ta lại trảm tướng, thay tướng, thì suy ra là thất bại. Trong hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ phải trả giá cho đại dịch này quá lớn".
Bà đề nghị việc giám sát phải đi vào thực tế rằng trong tương lai dịch bệnh có thể quay trở lại, sẽ đối phó tốt hơn, bảo vệ được người dân, bớt người chết.
Nhưng "cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế này", bà lo sợ "không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại", nhất là hiện nay không chỉ có COVID-19 mà còn nguy cơ khác.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Việt Nam ngừng việc tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 vì đã quá muộn.