Chiều 29.5, HĐXX thẩm vấn bị cáo Chu Tiến Dũng (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, gọi tắt CNS) và 9 đồng phạm gây thất thoát cho nhà nước gần 22 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS, gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng; sai phạm thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty Cổ phần TIE (công ty con của CNS, gọi tắt là TIE), gây thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng.
Người được khen thưởng không nhận được tiền khen thưởng
Trong đó, đối với nhóm sai phạm trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS, gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng, gồm 7 bị cáo: Chu Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Anh (41 tuổi, cựu Chánh văn phòng, Phó tổng giám đốc CNS), Đỗ Văn Ngà (56 tuổi, cựu kế toán trưởng CNS), Vũ Lê Tùng (57 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc CNS), Huỳnh Tấn Tư (54 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc CNS), Nguyễn Đức Vượng (50 tuổi, cựu Chánh văn phòng CNS), Lê Viết Ba (41 tuổi, cựu Phó phòng tài chính - kế toán CNS).
CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, việc sử dụng quỹ khen thưởng được pháp luật quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ. Trong đó, từ ngày 1.12.2015, Nghị định 91/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 71).
Song, từ ngày 27.4.2016 đến ngày 29.6.2018, CNS vẫn tiếp tục căn cứ quy chế về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng theo Nghị định 71 để chi hơn 17,3 tỉ đồng cho cá nhân, đơn vị ngoài CNS trái quy định.
Cụ thể, hồ sơ thanh toán chỉ bao gồm tờ trình đề xuất, phiếu chi; không có danh sách, chữ ký xác nhận việc nhận tiền của người được khen thưởng, không ghi rõ thông tin cá nhân, đơn vị được khen thưởng, không ghi thông tin về lý do khen thưởng…
Là bị cáo đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Đỗ Văn Ngà (56 tuổi, cựu kế toán trưởng CNS) thừa nhận có sai phạm nhưng bị cáo cho rằng do nhận thức sai, không phải cố tình thực hiện hành vi phạm tội.
Khi được thẩm vấn về việc vì sao khi chi tiền từ quỹ khen thưởng không chi trực tiếp cho người được khen thưởng mà lại chi cho người đề xuất/ bộ phận đề xuất, bị cáo Ngà khai đối với những cá nhân bên ngoài được khen thưởng thì chỉ có những bộ phận/phòng ban là nơi trực tiếp tiếp xúc với những người này, biết được những đóng góp thành tích của những người này nên sẽ là bộ phận đề xuất và trao đổi trực tiếp.
Bị cáo Ngà còn thừa nhận theo quy định, tất cả nguồn tiền thu vào, chi ra đều phải có tài liệu giấy tờ thu chi theo quy định pháp luật về kế toán, và thừa nhận đến hôm nay mới nhận thức được việc chi tiền khen thưởng như vậy là không được chặt chẽ. Ngoài ra, bị cáo Ngà còn cho biết phiếu chi của CNS phải có chữ ký của 4 người (người nhận, kế toán kiểm toán, kế toán trưởng và tổng giám đốc).
Cũng câu hỏi tương tự, bị cáo Chu Tiến Dũng trình bày, quỹ khen thưởng không chi trực tiếp cho người được khen thưởng, bởi đây là cách làm từ thế hệ trước, bị cáo chỉ làm theo, sau khi bị thanh tra mới biết là sai phạm.
“Đến hôm nay, bị cáo nhận thức được trách nhiệm của mình. Với vai trò tổng giám đốc nhưng bị cáo chưa sâu sát, hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật để xảy ra 'tai nạn' như ngày hôm nay. Bị cáo rất đau lòng, thấy có lỗi tập thể, với tổng công ty, đồng nghiệp”, bị cáo Chu Tiến Dũng trình bày.
Không báo cáo lợi nhuận của TIE
6 bị cáo vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng, gồm: Nguyễn Hoành Hoa (65 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên - HĐTV CNS), Chu Tiến Dũng, Đỗ Văn Ngà, và 3 bị cáo Vũ Quốc Vinh, Phạm Thúy Oanh, Hoàng Minh Trí, đều là các đại diện vốn của CNS tại TIE.
TIE chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước là Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu TIE thành Công ty Cổ phần TIE (trực thuộc Sở Công thương).
Thời điểm trước ngày 21.3.2016 (trước khi CNS thoái vốn lần 1 tại TIE), còn 3 cá nhân được CNS cử làm đại diện người quản lý 70% vốn góp của CNS tại TIE, gồm: Vũ Quốc Vinh đại diện 61% vốn góp, Phạm Thúy Oanh đại diện 5%, Hoàng Minh Trí đại diện 4%.
Thông qua 2 lần thoái vốn CNS tại TIE vào ngày 21.3.2016 và ngày 27.12.2016, 6 bị cáo tại CNS và TIE trên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TP.HCM, dẫn đến thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng.
Cụ thể, trước thời điểm thoái vốn, Chu Tiến Dũng và 5 bị cáo còn lại biết rõ tại thời thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, TIE có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nên CNS sẽ được quyền hưởng phần lợi tức phát sinh, với tư cách cổ đông sở hữu 70% vốn góp tại TIE. Tuy nhiên, các bị cáo không điều chỉnh thời điểm, phương án thoái vốn để CNS nhận được cổ tức năm 2015 từ TIE, tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đã bán ra.
Nhóm 6 bị cáo này thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, riêng bị cáo Hoàng Minh Trí (50 tuổi, cựu thành viên HĐQT TIE, người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại TIE) khai rằng, không tham gia điều hành TIE, chỉ chấp hành theo mệnh lệnh cấp trên.