Ngày 29-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tham gia giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định y tế dự phòng, y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, quyết định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.
“Tuy nhiên thông qua đại dịch cũng nhận diện một cách đầy đủ rõ hơn những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, nhân sự… các mặt về y tế cơ sở mà các ĐB phát biểu đã nêu” - bà Trà nói.
Cụ thể, thứ nhất tổ chức bộ máy của y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa đồng bộ, chưa thống nhất về mô hình, tổ chức, quản lý. Thứ hai nhân lực y tế cơ sở còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
“Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, cần phải đặt việc giải quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự y tế, nhất là y tế dự phòng, cơ sở trong tổng thể của Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống, tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp, đặt trong yêu cầu Nghị quyết 20 của Trung ương về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân” - bà Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất là phối hợp Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược.
"Trong đó phải đảm bảo nhân lực y tế khu vực công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng trong tình hình mới…” - bà Trà nói và thông tin “số công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc trong thời gian qua thì y tế chiếm 25%”.
Thứ hai là phối hợp Bộ Y tế và các bộ liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Trung ương.
Theo bà Trà, hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, trong đó có nội dung chính sách tiền lương, ưu đãi, phụ cấp đặc thù với nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nói riêng.
“Nội dung chính sách đảm bảo đúng quan điểm của Đảng, ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ phải có chính sách đặc biệt. Đồng thời sửa đổi bổ sung chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế và chính sách thu hút bác sĩ vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu xa và hải đảo” - Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa Nghị định 60 về cơ chế tự chủ và các Nghị định 59, 69 về xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp và đẩy mạnh các cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, nhất là y tế dự phòng.
“Thứ ba, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp để xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế xã hội các vùng miền, nhất là liên quan y tế cơ sở. Từ đó, xác định biên chế cho phù hợp thực tiễn và cũng không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở” - Bộ trưởng Nội vụ.
Chống dịch COVID-19: Bốn Bộ trưởng ăn bốn gói mì tôm
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Quỹ Vaccine hiện nay thu được hơn 10 nghìn tỉ, trong đó chi mua vaccine hơn 7,6 nghìn tỉ, còn dư hơn 3,1 nghìn tỉ.
Chia sẻ về sự quyết liệt phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ trưởng Phớc kể: 21 giờ đêm hôm trước khi thành lập Quỹ vaccine, Thủ tướng đã gọi cho ông và ông khẳng định có thể thành lập được Quỹ vaccine.
Ngay đêm đó, các cục, vụ của Bộ Tài chính tập trung xây dựng hồ sơ, dự thảo và văn bản hướng dẫn về Quỹ vaccine. Sáng hôm sau, hồ sơ về Quỹ vaccine đã được đặt trên bàn Thủ tướng lúc 8g. Quỹ vaccine sau đó đã góp phần chủ động mua vaccine.
Về xuất hàng viện trợ, theo Bộ trưởng Phớc, phải áp dụng “xuất hàng trước, lấy chứng từ hồ sơ sau” để đảm bảo chống dịch như chống giặc, đảm bảo cứu người dân bị nhiễm COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng có khi họp đến 2 giờ sáng về cơ chế, chính sách như dự thảo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội để có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Giai đoạn đó, theo Bộ trưởng, không nhiều người nghĩ đến thành công như vậy.
“Ngay bản thân bốn “anh em bộ trưởng” chúng tôi tháp tùng Thủ tướng kiểm tra ở TP.HCM, Bình Dương về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì gần như không có gì ăn. Chúng tôi phải nói với anh em đi tìm mỳ tôm, đến 1 giờ thì tìm được bốn gói, ăn xong lên máy bay về nhà cũng vừa khuya.
Trong giai đoạn chống dịch, có thể nói tất cả các ngành đều tập trung để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế” - Bộ trưởng Phớc chia sẻ.