Giá phòng ở Phan Thiết tăng đột biến
Ngoài ra, cũng có một số resort nhận đón khách đoàn một đêm nhưng cho biết hiện đã kín phòng, một số nơi còn yêu cầu khách muốn có phòng phải đặt ăn 1-2 bữa trong khu nghỉ dưỡng.
Ông Trần Thanh Vũ - tổng giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế Vina Group - cho biết công ty nhận nhiều đoàn khách là các tổ chức, doanh nghiệp nhưng khi bộ phận bán hàng đặt phòng ở resort khu vực Mũi Né - Phan Thiết thì không có nên không thể tổ chức tour, một số đoàn đành phải tư vấn khách chuyển hướng sang điểm đến khác.
"Các cơ sở lưu trú này đều nói trước chỉ nhận khách đặt hai đêm, còn ở một đêm thì hết phòng. Ngoài ra, họ cũng gợi ý đặt thêm một bữa ăn cho đoàn thì tỉ lệ có phòng sẽ cao hơn. Điều này rất khó vì các đoàn doanh nghiệp tổ chức hội họp thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần", ông Vũ cho biết.
Theo một số doanh nghiệp, "luật ngầm" này vẫn có những năm trước, nhưng năm nay tình trạng này phổ biến hơn mà lý do chủ yếu là lượng khách đến địa điểm này tăng đột biến sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông tuyến, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
Ngoài tình trạng này, một số doanh nghiệp du lịch còn gặp cảnh trớ trêu là giá phòng tăng đột ngột do "chủ đầu tư thay đổi", chủ cơ sở lưu trú cũng thúc khách đặt phòng thì cọc nhanh, vì chỉ cần chậm chân là không có phòng.
Ông Bùi Thế Duy - đại diện Công ty du lịch Lửa Việt - cho biết để chuẩn bị cho cao điểm hè, từ tháng 4, doanh nghiệp đã chi một khoản trước để đặt giữ một lượng phòng khá lớn, tránh bị vướng tình huống "phải ở hai đêm cuối tuần" cũng như chịu phụ thu dịch vụ phí cao điểm.
"Trong hè này, so với Đà Lạt, Nha Trang... thì Mũi Né - Phan Thiết gây được sự chú ý hơn nên tốc độ bán tour cũng tốt hơn, nhưng chỉ vừa mới đông khách lên mà đã có những "quy định" không hay sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chung", ông Duy nhìn nhận.
Làm xấu hình ảnh du lịch địa phương
Theo ông Trần Anh Thi - điều hành một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né (Bình Thuận), một số doanh nghiệp trong ngành ở địa phương cũng không hài lòng khi nghe phản ánh này.
Trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ có nhiều biện pháp tối ưu hóa nguồn khách để đạt lợi nhuận cao nhất, nhưng nếu từ chối khách ở một đêm là rất xấu cho hình ảnh du lịch cả địa phương.
"Làm du lịch cần quan niệm khách ở nửa ngày cũng là khách, miễn họ có trả chi phí đó. Nếu chăm chăm tính lời lỗ thì xem như đuổi khách, không có trở lại lần sau", ông Thi nói.
Từ khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào hoạt động, công suất phòng của resort này cũng cải thiện đáng kể, đạt 60 - 80% các ngày trong tuần và gần như kín phòng vào dịp cuối tuần cho đến giữa tháng 7.
Nhưng theo ông Thi, làm du lịch không nên vì công suất trong tuần thấp mà "ra điều kiện" cho khách đến cuối tuần, du lịch phải nghĩ đến chuyện bền vững, để khách quay lại.
Hiện nay du lịch cả nước đang bước vào cao điểm hè, nhiều điểm đến như Phú Quốc, Phú Yên, Đà Nẵng... đang bắt đầu đón lượng khách lớn, một số điểm tung ra nhiều chương trình giảm giá, ưu đãi lớn để hút khách. Theo các doanh nghiệp, du lịch nội địa năm nay có thể không có sự tăng trưởng đột phá do phải chia sẻ thị phần với tour nước ngoài, giá vé máy bay cao...
Do "chiến thuật quản trị doanh thu"?
Mới đây, giải thích về tình trạng một số khách sạn, resort ở Mũi Né – Phan Thiết vào dịp cuối tuần chỉ nhận khách đặt phòng 2 đêm và phải đặt ăn 1-2 bữa trong khu nghỉ, báo cáo của Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng đây là "chiến thuật quản trị doanh thu" của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch, khách sạn, hàng không đang áp dụng chiến thuật quản trị doanh thu (revenue management) để tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận.
Việc vận dụng quản trị doanh thu trong ngành khách sạn rất rộng, linh hoạt sử dụng nhiều công cụ như dự báo nhu cầu, so sánh thời điểm để đưa ra đúng chính sách đúng đối tượng cho từng thời điểm, trong đó có cả yêu cầu thời gian ở tối thiểu, bữa ăn bắt buộc.
Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch luôn đưa ra cơ cấu giá, số lượng phòng cho từng thị phần trong các khung thời gian cố định (đặc biệt là trong các nag cao điểm). Do đó, báo cáo của Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận khẳng định "Không có trường hợp chỉ nhận khách ở hai đêm cho toàn bộ số lượng khách sạn, resort".
Cũng theo đơn vị này, hiện Bình Thuận có khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp 17.500 phòng. Trong tháng 5, khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe, đi lại thuận lợi, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng 20%, dự báo cao điểm mùa du lịch hè tăng còn mạnh so với cùng kỳ 2022.
Những đoạn cao tốc vừa đưa vào khai thác tạo nên cú hích mới cho du khách thêm lựa chọn, thậm chí đã "vẽ" lại bản đồ thị trường du lịch với nhiều loại hình mới, nhiều sản phẩm mới và điểm đến mới.