Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, báo cáo chỉ số CPI tháng 5, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm hàng giảm giá.
Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là tăng 1,01% so với tháng trước. Tăng mạnh nhất là giá điện sinh hoạt, tăng 2,62% so với tháng trước, kế đến là giá nước sinh hoạt tăng 2,19% do thời tiết nắng nóng kéo dài. Giá gas cũng tăng 0,31%.
Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,24% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,08% điểm.
Giá điện nước tăng làm chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng |
Cụ thể, nhóm lương thực tăng 0,29% chủ yếu ở mặt hàng gạo tẻ, gạo nếp, mì sợi, phở, cháo ăn liền, bánh mì. Nhóm này tăng là do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao.
Nhóm thực phẩm tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu tập trung ở giá thịt heo (tăng 1,32% so với tháng trước), thịt bò do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ 30/4 và 1/5. Tính đến 24/5/2023 thì giá thịt heo hơi cả nước dao động từ 56.000 – 60.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước.
Các mặt hàng khác như rau tươi, khô và chế biến như bắp cải, su hào, rau dạng củ, rau gia vị đều tăng do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung. Nhiều mặt hàng khác cũng đồng loạt tăng giá như dầu ăn, đường, sữa, bơ, phô mai, bánh, mứt, kẹo, trà, cà phê, ca cao đều tăng. Trong đó, giá đường tăng cao nhất vì chuẩn bị bước vào những tháng giáp vụ, thời tiết nắng nóng và giá đường thế giới duy trì mức cao.
Nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mủ nón, giày dép; mặt hàng điện lạnh, văn hóa giải trí… cũng tăng so với tháng trước do thời tiết nắng nóng và kéo dài, nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao.
Nhóm mặt hàng có chỉ số giảm tập trung ở nhóm giáo dục, nhóm bưu chính, nhóm giao thông. Trong đó tập trung ở mặt hàng giá dầu hỏa, giá xăng…
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1282941a-10-0-gnat-5-gnaht-gnud-ueit-aig-os-ihc-mal-gnat-coun-neid-aig/nv.moc.enilnounuhp.www