Ngày 28-5, ông Alexander Volfovich - thư ký Hội đồng An ninh Belarus - cho rằng các nước phương Tây khiến nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ông cũng cho rằng phương Tây nên chú ý để không “vượt qua lằn ranh đỏ” trong các vấn đề chiến lược quan trọng, theo hãng tin Reuters.
Ông Volfovich cho rằng việc rút vũ khí hạt nhân khỏi khỏi lãnh thổ Belarus sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 là điều hợp lý, vì Mỹ đã đảm bảo an ninh và không áp lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, “giờ đây, mọi thứ đã bị phá bỏ. Tất cả lời hứa được đưa ra đã biến mất mãi mãi".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin trong cuộc gặp ở thủ đô Minsk (Belarus) ngày 25-5. Ảnh: AP |
Theo ông Volfovich, “việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus là một trong những bước răn đe chiến lược. Nếu các chính trị gia phương Tây vẫn còn lý trí, thì tất nhiên, họ sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ này”.
Trước đó, ngày 25-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus - ông Viktor Khrenin đã ký thỏa thuận về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus, đánh dấu lần đầu tiên Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo đài RT.
Tại lễ ký kết, ông Shoigu giải thích động thái này nhằm đáp trả “sự leo thang nghiêm trọng” các mối đe dọa và hoạt động hạt nhân chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông lưu ý rằng thỏa thuận giữa Moscow và Minsk là về “vũ khí hạt nhân phi chiến lược” và phù hợp với “tất cả nghĩa vụ pháp lý quốc tế”.
“Nga không bàn giao vũ khí hạt nhân cho Belarus. Quyền kiểm soát và quyết định sử dụng vũ khí này vẫn thuộc về phía Nga” - vị bộ trưởng nói thêm.
Ngày 26-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ quan ngại về việc Nga xúc tiến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án kế hoạch này.