Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Khanh, phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết đã có 1.854 khách hàng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên đăng ký tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR).
Theo đó, các doanh nghiệp đã thỏa thuận với ngành điện để tiết kiệm điện trong giờ cao điểm, điều chỉnh quy trình sản xuất hợp lý để hạn chế dùng điện giờ cao điểm, chuyển dây chuyền sản xuất sang các giờ thấp điểm, giảm tối đa dùng cùng lúc nhiều thiết bị có công suất lớn.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phó giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre, cho biết đã có 135 khách hàng có sản lượng trên 3 triệu kWh/năm và các khách hàng trên 1 triệu kWh/năm đăng ký tham gia chương trình DR.
Còn tại Tây Ninh, đã có 248 khách hàng tiêu thụ điện lớn với tỉ lệ 100% tham gia chương trình điều chỉnh, giảm nhu cầu dùng điện. Ông Nguyễn Quang Thắng, đại diện Công ty CP Hà Lan (Tây Ninh), cho biết doanh nghiệp này bố trí kế hoạch sản xuất của dây chuyền vào các giờ bình thường và giờ thấp điểm, giảm sản xuất vào giờ cao điểm, đồng thời tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện.
Trong khi đó, ông Nông Thanh Tú, đại diện Công ty CP CLB bóng đá Becamex Bình Dương, cho biết Becamex cũng giảm tối đa chiếu sáng các bảng quảng cáo trên đại lộ Bình Dương và chỉ mở các bảng quảng cáo từ 19h - 22h.
Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết từ ngày 22 đến 28-5, tại 21 tỉnh phía Nam đã có gần 3.000 khách hàng tự nguyện tham gia chương trình DR và tiết giảm điện với công suất gần 600MW, tương ứng sản lượng điện tiết kiệm trên 1.750MWh.
Còn tại các trụ sở, cơ quan, chiếu sáng công cộng, quảng cáo... đã tiết kiệm với sản lượng trên 25,7 triệu kWh. Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đã có hơn 630 khách hàng dùng từ 1 triệu kWh/năm trở lên tại TP đã ký thỏa thuận DR với công suất có thể tiết giảm là 169MW. Ngoài ra, có 160 khách hàng có máy phát điện dự phòng với tổng công suất 150MVA sẵn sàng vận hành trong trường hợp khẩn cấp để chủ động nguồn điện.
Miền Bắc có thể thiếu tới 8.000MW điện
Tại báo cáo vừa được gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đề xuất hiệu chỉnh bảng phân bổ mức ngừng giảm cung cấp điện cho các tổng công ty điện lực khi hệ thống điện quốc gia ở chế độ cực kỳ khẩn cấp.
Cụ thể, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng giảm cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000MW lên 15.000MW, tương đương với mức giảm cung cấp điện của hệ thống điện miền Bắc là 8.100MW.
Theo A0, với mực nước các hồ thủy điện giảm thấp, thiếu hụt nhiên liệu (than, dầu, khí) cho phát điện, hệ thống điện quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Bắc nói riêng có thể xảy ra tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh vào mùa khô năm 2023 và các năm tới.
Theo A0, trong trường hợp cực đoan, hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu hụt khoảng 8.000MW, mức cao hơn nhiều so với con số được EVN đưa ra trước đó là gần 5.000MW. Trong khi đó, mức giảm cung cấp điện lớn nhất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội chỉ khoảng 4.100MW.
N.AN
Thủ đô Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm nên để tiết kiệm điện, người dân cần chủ động kiểm soát lượng điện tiêu thụ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh hóa đơn tiền điện tăng cao.