Việc Hãng hàng không China Eastern thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên với máy bay C919 đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc cạnh tranh của Trung Quốc với các nhà sản xuất máy bay phương Tây như Airbus, Boeing.
Hành trình dài
Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC) bắt đầu dự án phát triển C919 cách đây 15 năm. Sau nhiều lần trễ hẹn, C919 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên năm 2017 và nhiều chuyến bay thử nghiệm khác nhau kể từ đó.
Theo thông tin từ Variflight - ứng dụng theo dõi hành trình của các máy bay, chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 cất cánh lúc 10h32 ngày 28-5 từ sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, thành phố nơi COMAC và Hãng China Eastern đặt trụ sở chính.
Nó hạ cánh sau đó hai giờ ở sân bay Bắc Kinh và được hành khách đánh giá là một hành trình "suôn sẻ, thoải mái và đáng nhớ".
Chiếc máy bay bay trở về Thượng Hải trong cùng ngày và sau đó, ngày 29-5 thực hiện một chuyến bay dài hơn đến thành phố ở miền đông nam Trung Quốc là Thành Đô.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, từ 29-5 trở đi, C919 sẽ hoạt động thường xuyên trên chặng bay giữa Thượng Hải và Thành Đô.
Lv Boyuan, một sinh viên 21 tuổi, một người trẻ say mê ngành hàng không, đã háo hức có mặt tại sân bay Thượng Hải hôm 28-5 để bay đến Thành Đô. Boyuan dự định sẽ quay về trên chiếc C919 vào hôm sau.
"Tôi thực sự mong chờ được bay trên chiếc máy bay này. Nó đặc biệt vì C919 là máy bay thế hệ mới, không giống như các loại máy bay tương tự của Boeing và Airbus, đã xuất hiện vài năm nay", Boyuan không giấu được sự háo hức.
Theo Đài Al Jazeera, mặc dù tự hào là máy bay do Trung Quốc tự sản xuất, C919 về bản chất không phải là hàng 100% nội địa.
Chiếc máy bay được lắp ráp ở Trung Quốc nhưng chủ yếu dựa vào các linh kiện phương Tây trong đó có động cơ và hệ thống điện tử hàng không từ các công ty như General Electric Co, Safran SA và Honeywell International Inc.
Nỗ lực tự cường
Chuyến bay thương mại thành công ngày 28-5 đã đưa C919 trở thành biểu tượng cho sự vươn lên của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi dự án này là một thành công của sự đổi mới.
Nhật báo Bắc Kinh viết: "Sau nhiều thế hệ nỗ lực, cuối cùng chúng ta đã phá vỡ thế độc quyền về hàng không của phương Tây và thoát khỏi sự sỉ nhục của việc sản xuất "800 triệu chiếc áo sơ mi cho một chiếc Boeing"".
Bài báo liên hệ việc trước đây Trung Quốc chủ yếu sản xuất, gia công hàng giá trị thấp nhưng hiện nay đã tham gia sâu rộng trong những lĩnh vực công nghệ tinh vi tối tân bậc nhất.
Bắc Kinh hy vọng dòng máy bay thương mại C919 của họ sẽ thách thức các mẫu máy bay nước ngoài như Boeing 737 MAX và Airbus A320. "Trong tương lai, hành khách sẽ có thể chọn di chuyển bằng máy bay lớn sản xuất trong nước", Đài CCTV bình luận.
Sự có mặt của C919 được kỳ vọng là sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài khi mối quan hệ của nước này với phương Tây xấu đi.
Châu Á và Trung Quốc nói riêng, nơi có tầng lớp trung lưu đông đảo và nhu cầu đi bằng đường hàng không gia tăng, là thị trường hấp dẫn của các nhà sản xuất máy bay như Airbus (châu Âu) và Boeing (Mỹ).
Li Hanming, một chuyên gia độc lập về hàng không Trung Quốc, cho biết hầu hết các đơn đặt mua máy bay C919 là thư bày tỏ ý định mua của các công ty hàng không trong nước. Chuyên gia này nhận định "đối với C919, thị trường nội địa là đủ lớn".
Mặc dù sự mở rộng tại thị trường đại lục của C919 chỉ là vấn đề thời gian, khả năng vươn xa ra thị trường quốc tế của nó vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo Greg Waldron, biên tập viên phụ trách khu vực châu Á của ấn phẩm FlightGlobal về ngành hàng không, chiếc máy bay này cần được các cơ quan quản lý châu Âu và Mỹ cho phép sử dụng để có thể thâm nhập một cách sòng phẳng vào thị trường quốc tế.
Trước C919, Trung Quốc đã sản xuất máy bay ARJ21 - một loại máy bay chặng ngắn với khoảng 90 chỗ ngồi. Nó đã được khai thác thương mại năm 2016 và được các hãng hàng không lớn của Trung Quốc cũng như Hãng TransNusa của Indonesia sử dụng.
Với lịch sử hoạt động ở thị trường ngoài Trung Quốc, nhiều khả năng C919 có thể tiếp cận thị trường ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, COMAC cũng đang hợp tác phát triển máy bay thân rộng CR929 với Nga.
99 triệu USD/chiếc
Hãng hàng không China Eastern đã đặt mua năm chiếc máy bay này vào tháng 3-2021. Tháng 12-2022, công ty nhận bàn giao chiếc máy bay đầu tiên. China Eastern cho biết họ hy vọng sẽ nhận toàn bộ số máy bay còn lại trong năm nay.
Theo Hãng tin Bloomberg, giá niêm yết hiện tại của dòng máy bay C919 là 99 triệu USD. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1, lãnh đạo của COMAC tiết lộ công ty nhận được khoảng 1.200 đơn đặt hàng cho C919, một con số đáng kể.
Dòng máy bay thân hẹp C919 do Trung Quốc sản xuất vừa có chuyến bay thương mại từ thành phố Thượng Hải đến thủ đô Bắc Kinh hôm nay 28-5.