Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chiều 29/5.
“Có những đêm, Thủ tướng chủ trì họp đến 2h sáng. 1h sáng, tôi mỏi quá tôi về, đến giữa đường thì Thủ tướng gọi tôi phải quay trở lại. Họp đến 2h sáng mới hoàn thiện được cơ chế chính sách, quay trở về ngủ thì gần sáng luôn”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trải lòng như thế, cuối phiên thảo luận chiều 29/5 của Quốc hội về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Hồi âm ý kiến đại biểu về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết Quỹ Vắc-xin hiện nay thu được hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó chi ra mua vắc-xin hơn 7.600 tỷ đồng, còn dư hơn 3.100 tỷ đồng.
Ông Phớc khẳng định, Chính phủ rất quyết liệt trong chống dịch.
“Tôi còn nhớ, 21h đêm, Thủ tướng điện cho tôi nói là có thể thành lập Quỹ Vắc-xin không, tôi báo cáo với Thủ tướng là thành lập được. Và ngay trong đêm hôm đó, khoảng 22h, chúng tôi triệu tập họp và phân công nhiệm vụ cho các cục, vụ triển khai xây dựng quy chế thành lập Quỹ Vắc-xin, đồng thời giao Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư 41. 8h sáng hôm sau, đặt trên bàn của Thủ tướng cả thông tư, cả thành lập Quỹ. Thành lập quỹ ngay chúng ta có gần 11.000 tỷ đồng để chủ động mua vắc-xin thì đây là một thành công”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt trong cả hai phiên thảo luận của Quốc hội. |
Về xuất hàng viện trợ, Bộ trưởng thông tin là cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ hồ sơ sau để đảm bảo chống dịch như chống giặc, đảm bảo cứu người dân bị nhiễm Covid-19. Việc này, theo Bộ trưởng, cũng thể hiện sự quyết liệt.
Đây cũng từng là nội dung được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc để cập trong phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đầu năm nay. Khi đó, ông nhắc lại thời điểm đỉnh dịch Covid-19 tại TP.HCM, lúc này rất nhiều người chết. Theo quy định của luật pháp, phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan. Lúc đó kít test, vắc-xin về, nhà tài trợ thông báo và Bộ trưởng Bộ Y tế tới nhận, nhưng Cục Hải quan TP.HCM không cho nhận. Thứ trưởng Bộ Công an lên nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được nhận luôn.
Lúc đó, tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nói “Tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết nhiều như thế phải cho Ban chỉ đạo chống dịch nhận vắc-xin, kit test, nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó, tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho Bộ và tự chịu trách nhiệm. Lúc này, Cục Hải quan TP.HCM mới đồng ý cho xuất hàng, cho Bộ Y tế, bệnh viện Chợ Rẫy nhận".
Có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất hoàn trước, hoàn thành thủ tục sau. Nhưng có rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm. Trường hợp này may là sau này tập hợp hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng nói tiếp.
Trở lại phát biểu chiều 29/5, vẫn liên quan đến trách nhiệm của Bộ, ông Phớc nói Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời ngày 11/1/2022, 17 ngày sau, thì Bộ Tài chính trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 (về miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43) và có hiệu lực vào ngày 1/2/2022. Như vậy, chỉ 20 ngày sau từ khi có nghị quyết của Quốc hội thì đã có nghị định để thực hiện ngay lập tức các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Phớc nói.
“Giai đoạn đấy, chúng ta không nghĩ đến chống dịch thành công như thế. Ngay bản thân anh em chúng tôi tháp tùng Thủ tướng kiểm tra dịch ở TP.HCM, Bình Dương, 4 anh em Bộ trưởng chúng tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì gần như không có gì ăn. Chúng tôi phải nói với anh em đi tìm mỳ tôm. Tìm hơn 1h đồng hồ, thì 4 anh em Bộ trưởng được 4 gói mỳ tôm, ăn xong lên máy bay về nhà cũng vừa khuya”.
Sau câu chuyện trên, Bộ trưởng chốt lại “thực sự, đây là hết sức chia sẻ trong giai đoạn dịch, phải nói là tất cả các ngành đều tập trung vào chống dịch để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế”.