Chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án lớn
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh đã diễn ra thành công, được lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá cao những kết quả phát triển của Hà Tĩnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong triển khai lập quy hoạch, thể hiện khát vọng phát triển nhanh, hiện đại, bền vững.
Trước đó, vào sáng 28/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào địa bàn, với sự tham dự của 700 đại biểu trực tiếp và 270 điểm cầu trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương; một số tỉnh bạn; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; các cơ quan Ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị này, Hà Tĩnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.
Cụ thể 15 dự án được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, thực hiện tại xã Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh với quy mô gần 50ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.687 tỷ đồng.
Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa, tại xã Thạch Văn và xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà do Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji triển khai với tổng mức đầu tư hơn 952 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Dự án khu đô thị hai bên Đường Ngô Quyền của Công ty cổ phần Kosy với tổng vốn đầu tư 796 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Thạch Quý với tổng vốn đầu tư 387 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư SKYLAND-GROUP; Khu dân cư trung tâm Thị trấn Đức Thọ tại Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TTP với tổng vốn 223 tỷ đồng.
Dự án Tổng kho xăng dầu Giang Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng, TX Kỳ Anh có tổng vốn đầu tư đăng ký là 460 tỷ đồng; Dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu Giang Nam tại xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư đăng ký là 45,5 tỷ đồng của Công ty TNHH Xăng Dầu Giang Nam.
Dự án Nhà máy Sợi nồi cọc Nam Hồng Lĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh, vốn đầu tư đăng ký là 597 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Hồng Lĩnh; Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Phù Lưu, huyện Lộc Hà với tổng vốn đầu tư đăng ký là 150 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển thương mại Việt An; Dự án Nhà máy sản xuất và gia công thực phẩm chức năng Maple West tại Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tổng vốn đầu tư đăng ký là 37,6 tỷ đồng của Công ty TNHH Esgreen - Hồng Kông.
Dự án Gia công cơ khí và sản xuất cấu kiện, vật tư công nghiệp Tiến Thành trong Khu kinh tế Vũng Áng, tổng vốn đầu tư đăng ký là 57,9 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim loại màu Tiến Thành; Dự án Tổ hợp công nghiệp Ngọc Long Châu, tại Khu kinh tế Vũng Áng, TX Kỳ Anh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 63,7 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Ngọc Long Châu; Dự án Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh tại Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tổng vốn đầu tư đăng ký là 24,4 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Yên Thịnh; Dự án Nhà máy Thủy điện Vũ Quang tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tổng vốn đầu tư là 150 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy điện Vũ Quang.
Ngoài ra, còn có 25 “ông lớn” ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư gồm: Tập đoàn Vingroup; Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark; Công ty cổ phần GS Holding; Công ty TNHH Phúc Đạt Hà Tĩnh; Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt; Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Silk Path; Công ty cổ phần Crystal Bay; Công ty cổ phần Cá tầm Việt; Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Thăng Long; Công ty cổ phần Tập đoàn Semec; Công ty cổ phần Trường Thịnh Phát; Công ty cổ phần May diêm Sài Gòn; Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group; Tổng công ty Cơ điện xây dựng; Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sungroup); Công ty cổ phần Đầu tư toàn Cầu Hồng Lĩnh; Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP); Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty cổ phần Phát triển nước sạch Thiên Cầm; Tập đoàn FPT; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng; Công ty cổ phần Tập đoàn TH; Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Sao Vàng Đất Việt.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Hà Tĩnh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đó là kim chỉ nam, là đường hướng mà Hà Tĩnh xác định để phát triển. Nội dung này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định tại Hội nghị.
Ông Võ Trọng Hải bày tỏ, Hà Tĩnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là khung pháp lý quan trọng định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tạo không gian, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư; đồng thời, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, thời gian tới, định hướng phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của Hà Tĩnh là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics. Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch, ông Arnaud Ginolin, thành viên Hội đồng Thành viên, Lãnh đạo khối Tư vấn Chính sách công và khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh được lập rõ ràng và táo bạo, với tầm nhìn “tăng trưởng xanh Hà Tĩnh” hướng đến phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: sản xuất thép và các ngành phụ trợ; nông nghiệp; logistics và du lịch.
Các dự án được xác định cho sự phát triển đột phá chính là mở rộng hơn nữa tổ hợp công nghiệp tại Vũng Áng; năng lượng tái tạo và LNG; cảng biển và các trung tâm logistics; phát triển đô thị và du lịch. “Việc củng cố các lĩnh vực cốt lõi sẽ tạo đà cho cả 4 lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh mẽ”, ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Hà Tĩnh đã hết sức quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Tĩnh, tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển.
Cần tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước mắt, áp dụng các giải pháp cần thiết để đạt được các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN; giải phóng các điểm nghẽn của thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành với người dân và doanh nghiệp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh…
Tại hội nghị này, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.
“Việc hoàn thiện và công bố quy hoạch mới chỉ là kết quả bước đầu. Thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả quy hoạch chính là sự phát triển giàu mạnh, văn minh, người dân được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Trung Dũng, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đối với nhà đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch; khi gặp các vướng mắc, khó khăn kịp thời phản ánh để tỉnh cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ.