Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đã có báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang chìm trong khó khăn
Trong đó, khi nhận định về triển vọng của doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm nay, các doanh nghiệp đều dự báo một bức tranh tiêu cực, với nhiều gam màu xám.
Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 82,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, chỉ 13,5% giữ nguyên quy mô. Đây là con số đáng báo động và nó cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.
Điều này khá tương đồng với số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố ghi nhận trong 5 tháng đầu năm nay. Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ban IV ghi nhận có 5 vướng mắc lớn mà doanh nghiệp đang đối mặt là: khó khăn về đơn hàng (59,2%), tiếp cận vốn vay (51,1%), thủ tục hành chính (45,3%), hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%) và thông tin thị trường (27,7%).
Các điều kiện kinh doanh tiếp tục bị thu hẹp khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã quay đầu giảm trở lại (từ mức 47,7 trong tháng 3 xuống 46,7 trong tháng 4), đánh dấu tháng thứ 5 dưới mốc 50 trong sáu tháng gần đây.
Các doanh nghiệp đang rất cần được giảm mạnh lãi suất cho vay |
Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Liên quan khó khăn về tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp đưa ra đề xuất 6 giải pháp. Trong đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước. Trong đó, có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, doanh nghiệp cho rằng NHNN cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan.
Các doanh nghiệp cho rằng, đây là giải pháp để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023 - 2024, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Là ngân hàng có tỉ lệ cho vay DNNVV nhiều nhất hệ thống, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank xác định DNNVV là đối tượng khách hàng chính và đã hỗ trợ được rất lớn cho các DNNVV khi dành các mức lãi suất thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay thông thường. "Đến nay, dư nợ cho vay đối với nhóm DNNVV đạt trên 325.000 tỉ đồng cho 20.000 khách hàng"- ông Hùng nói.
"Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện cho vay thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống.
Bài toán khó đặt ra ở đây là NHNN phải tìm được điểm hài hoà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép thử sai"
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà
Chỉ ra nguyên nhân khiến các DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, hầu hết các DNNVV là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là những doanh nghiệp có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.
Thậm chí số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán. Báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Do đó, theo các chuyên gia, để tiếp cận được dòng vốn tín dụng tại các ngân hàng, các DNNVV cần phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, có phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính minh bạch.