Đào tạo trên 300 giảng viên trình độ tiến sĩ
Theo đề án, trong 3 năm trở lại đây, mặc dù Đại học Bách khoa Hà Nội đã cố gắng truyền thông trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng số lượng giảng viên tuyển được chỉ đạt 67% so với kế hoạch.
Độ tuổi trung bình của giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay tương đối cao, khoảng 45 tuổi. Trong 5-15 năm tới, số lượng cán bộ đến tuổi nghỉ hưu sẽ từ 20-25% tổng số giảng viên, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực để thay thế.
"Bên cạnh các chính sách đổi mới phương thức tuyển dụng, thu hút tuyển dụng giảng viên xuất sắc, chế độ đãi ngộ mà Đại học Bách khoa Hà Nội đang triển khai thực hiện,đề án tạo nguồn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023-2030 là giải pháp quan trọng chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy" - đề án nêu.
Đề án cũng cho rằng mục tiêu chung nhằm xây dựng nguồn giảng viên có trình độ tiến sĩ, năng lực đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, là nguồn nhân lực kế cận đảm bảo tính bền vững trong chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, bổ sung cho đội ngũ giảng viên từ 5-10 năm tới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đào tạo trên 300 người trở thành giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội có trình độ tiến sĩ, năng lực theo chuẩn, tập trung vào một số lĩnh vực đào tạo cốt lõi theo định hướng, chiến lược phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm nâng cao chất lương đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Kinh phí gần 3 tỉ/người
Theo đề án, kinh phí do Đại học Bách khoa Hà Nội chi trả khoảng 58 tỉ đồng. Trong đó, học phí được hỗ trợ khi học tại Đại học Bách khoa Hà Nội khoảng 24 tỉ đồng, dự kiến 40 người, tương đương khoảng 148 triệu đồng/người.
Ngoài ra, 40% tiền lương, bảo hiểm khi học ở nước ngoài khoảng hơn 27 tỉ đồng, dự kiến 278 người, trung bình 1,8 triệu đồng/người/tháng; chi phí cho các hoạt động của đề án khoảng gần 600 triệu đồng; kinh phí đề tài, khoảng 6 tỉ đồng, dự kiến mỗi năm 5 đề tài mức trung bình 150 triệu đồng/đề tài.
Đáng chú ý đề án đề xuất kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả từ chương trình đào tạo học bổng của Chính phủ hoặc từ nguồn học bổng khác khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Dự kiến 260 người, mức khoảng 2,94 tỉ đồng/người.
Ứng viên cần những điều kiện gì khi tham gia đề án?
Với kỹ sư, cử nhân: yêu cầu độ tuổi dưới 30, tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc xuất sắc trong các lĩnh vực, ngành đào tạo có trong mục tiêu của đề án.
Với thạc sĩ, người đã trúng tuyển hoặc đang theo học các chương đào tạo tiến sĩ trong nước, nước ngoài hoặc liên kết trong nước với nước ngoài: yêu cầu dưới 35 tuổi tại thời điểm nhận hồ sơ, tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc xuất sắc và thạc sĩ loại khá trở lên trong các lĩnh vực, ngành đào tạo có trong mục tiêu của đề án.
Ngoài ra, tất cả các ứng viên đều phải có trình độ tiếng anh IELTS đạt 5.5 trở lên hoặc tương đương.
Top 5 trường doanh thu trên 1.000 tỉ/năm
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, năm 2021 Đại học Bách khoa Hà Nội nằm trong top 5 trường đại học có tổng thu trên 1.000 tỉ/năm.
Đại học Bách khoa Hà Nội nằm trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất năm 2021, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP2 xuất hiện trong danh sách này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại học tự chủ nhưng vẫn cần thiết, cần phải được tiếp tục đầu tư lớn và Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ.