Bụi phổi gây chết người
Đến ngày 30-5, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Nghệ An đang điều trị cho ông Hoàng Văn Sơn (47 tuổi) và Trần Ngọc Hoa (45 tuổi) - cả hai người cùng ngụ xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - với hồ sơ bệnh án chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi.
Đây là hai công nhân trong danh sách tám người mắc bệnh bụi phổi có lịch sử từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, đóng ở Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc. Đến nay, theo báo cáo của cơ quan chức năng, đã có ba người tử vong.
Ngồi trên giường bệnh với sự hỗ trợ của ống thở, ông Trần Ngọc Hoa cho biết ông bắt đầu làm việc tại Công ty Châu Tiến từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2021. Trong thời gian đó, ông làm ở dây chuyền nghiền đá thạch anh với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Ông Hoa kể ông chỉ phát hiện bị bụi phổi từ một năm trước, khi vào bệnh viện để chăm người em họ là anh T.H.Q. (37 tuổi, công nhân Công ty Châu Tiến) - người đầu tiên phát hiện bị bụi phổi và cũng là trường hợp đầu tiên tử vong.
"Vào đây chăm em, thấy các bác sĩ bảo bị bụi phổi do hít phải bụi đá, lo lắng nên tôi mới khám luôn", ông Hoa kể.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công nhân khác, lúc này bệnh bụi phổi của ông Hoa đã quá nặng. Cách đây không lâu, ông Hoa được người nhà đưa ra Hà Nội để hy vọng có thể rửa phổi. Ở nhà không yên tâm, vài ngày trước gia đình tiếp tục đưa ông vào Bệnh viện Phổi Nghệ An tiếp tục níu kéo hy vọng.
Tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Phổi Nghệ An, dù phải thở oxy, cơ thể đã rất gầy gò nhưng ông Hoàng Văn Sơn vẫn còn khá tỉnh táo, có thể nói chuyện được với chúng tôi.
Ông Sơn kể bắt đầu vào làm việc tại công ty này từ tháng 10-2019, tại dây chuyền trộn bột đá, trong đó chủ yếu vẫn là thạch anh. Đến tháng 6-2022, ông Sơn cảm thấy sức khỏe dần đi xuống.
Thấy lo lắng, nhiều công nhân tại công ty này, trong đó có ông Sơn, bắt đầu đi khám và đồng loạt phát hiện đã bị bệnh bụi phổi nặng. Ông Sơn cũng đã được người nhà đưa ra Bệnh viện Phổi trung ương, nhưng do bệnh đã quá nặng, các lớp bụi bám dày trên phổi nên không thể rửa được.
Các công nhân mắc bệnh đều có gia cảnh khó khăn, éo le khi họ đều là lao động chính của gia đình.
Lập đoàn kiểm tra, công an vào cuộc
Ông Thái Đình Lâm - phó giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An - cho biết đến nay bệnh viện tiếp nhận tám trường hợp trú tại huyện Nghi Lộc bị bụi phổi là công nhân từng làm việc tại Công ty Châu Tiến, với cùng triệu chứng khó thở, suy hô hấp.
Tuy nhiên, khi nhập viện các bệnh nhân này đều đã bị bệnh quá nặng, các hạt bụi bột đá nhỏ mịn bám vào thành phổi nên hầu hết không thể rửa phổi. Hiện Công an huyện Nghi Lộc đã tiếp cận hồ sơ bệnh án các bệnh nhân để điều tra vụ việc.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty Châu Tiến cho rằng với những trường hợp đã qua đời hay đang điều trị ở bệnh viện đều đã nghỉ việc ở công ty, có người đã hơn một năm trước. Việc xác định nguyên nhân đang chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá.
Công ty cũng "đã thăm hỏi, động viên tám gia đình có người lao động làm việc tại công ty bị nhiễm bệnh đã mất và đang điều trị (gia đình có người lao động tử vong 3 triệu đồng/người, người mắc bệnh 2 triệu đồng/người)".
Báo cáo của Công ty Châu Tiến gửi Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND huyện Nghi Lộc cho biết đơn vị này đã đến thăm hỏi các công nhân bị bệnh. Các trường hợp đã mất, công ty hỗ trợ 3 triệu đồng/người, các trường hợp bị bệnh nhận được 2 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty cũng đã rà soát, kiểm tra và đã triển khai tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đang làm việc tại công ty; kiểm tra vệ sinh máy móc, thiết bị, vệ sinh môi trường lao động tại nơi làm việc, giám sát, nhắc nhở người lao động thực hiện đầy đủ trang phục bảo hộ lao động trong sản xuất.
Ông Đặng Văn Lương - trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc - cho hay hiện nay tỉnh đang thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, làm rõ vụ việc này.
TT - Tay ôm ngực, ho khan từng chặp, bà Duệ khó nhọc kể mình bị nhiễm bệnh bụi phổi silic khi còn làm công nhân vệ sinh máy nghiền đá của Công ty cổ phần Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai). Bệnh tật làm bà hom hem hơn so với tuổi 59.