Chiến sự Ukraine đã kéo dài hơn một năm kể từ tháng 2-2022. Mỹ và nhiều nước NATO, bao gồm một số đồng minh Mỹ ở châu Âu, đã tích cực viện trợ tài, lực cho Kiev.
Đây được xem là nguồn lực chủ yếu để Ukraine chống lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Viện trợ, nhưng không đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập NATO
Thế giới đã gánh chịu cú sốc kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Vì vậy, cuộc giao tranh tại Ukraine càng khiến tình hình kinh tế tồi tệ hơn.
Chiến sự Ukraine đã tạo tác động xấu lên thị trường năng lượng. Nhiều nước ủng hộ Ukraine đã mạnh tay với năng lượng nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, lạm phát và số tiền viện trợ Ukraine càng đẩy khó khăn kinh tế lên cao.
Đã có không ít mối lo ngại về việc phương Tây mất kiên nhẫn với chiến sự. Dù tích cực viện trợ vũ khí cho Ukraine, các nước châu Âu được xem đang nóng lòng muốn biết cuộc giao tranh này sẽ kết thúc vào lúc nào và kết thúc như thế nào.
Bản thân các đảng cầm quyền tại châu Âu cũng chịu áp lực khi tỉ lệ cử tri phản đối viện trợ Ukraine không phải con số nhỏ. Tình hình đặc biệt không khả quan cho Ukraine tại Ý.
Một khảo sát của nhật báo Corriere della Sera cuối tháng 2 vừa qua cho thấy có 45% người Ý phản đối gửi vũ khí cho Ukraine, so với 34% ủng hộ việc làm này. Có 21% số người được hỏi trong khảo sát trên không trả lời.
Dù vậy, trong phát biểu ngày 30-5, Tổng thư ký NATO Stoltenberg vẫn khẳng định không có dấu hiệu của sự mệt mỏi từ các nền dân chủ phương Tây với việc viện trợ cho Ukraine.
Đây có thể xem là thông điệp lạc quan của người đứng đầu NATO trước thềm họp ngoại trưởng các nước thành viên ở Oslo (Na Uy).
Tại cuộc họp này, vấn đề Ukraine gia nhập NATO vẫn được quan tâm. Phía NATO nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận yêu cầu của Ukraine về việc được trao cơ chế duyệt nhanh vào NATO.
Chính phủ một số nước như Mỹ và Đức lo ngại việc duyệt nhanh cho Ukraine có thể khiến NATO bị kéo gần hơn tới kịch bản chiến tranh với Nga.
Tuần trước, bản thân ông Stoltenberg cũng nói rõ Ukraine chỉ có thể gia nhập NATO khi chiến sự chấm dứt.
Nga cảnh báo viện trợ vũ khí cho Ukraine
Phương Tây luôn cẩn trọng với kịch bản Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga, bởi theo họ điều này sẽ tạo nguy cơ chiến tranh lan rộng.
Nguy cơ ấy đã ngày một lớn, khi Nga có hàng loạt cáo buộc Ukraine tấn công đất Nga. Mới nhất, Nga nói Ukraine tấn công Matxcơva bằng máy bay không người lái hôm 30-5.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định phương Tây đang tăng cường cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Kiev trước cái mà ông gọi là "cuộc tấn công quy mô lớn" của Ukraine.
Bộ trưởng Nga dọa rằng Matxcơva sẽ tấn công mọi tuyến tiếp tế nếu phát hiện ra, theo Reuters. Trong khi phía Ukraine bác bỏ thông tin nói Kiev trực tiếp tham gia vụ tấn công Matxcơva nêu trên.
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ hơn so với luồng ý kiến phản đối. Nhưng nhiều người lo ngại cục diện sẽ nhanh chóng thay đổi.