Vậy trong thời gian tới địa phương này sẽ có những thay đổi nào trong chiến lược thu hút đầu tư để khai thác hết tiềm năng sẵn có? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - về vấn đề này.
- Ông Võ Văn Hưng: Quảng Trị có nhiều thuận lợi, từ vị trí chiến lược nằm ở trung điểm đất nước trên các trục giao thông huyết mạch đường bộ, đường sắt và đường biển của quốc gia, nên Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, đầu mối giao thông.
Đây còn là điểm đầu trên tuyến đường chính của hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung như: Vũng Áng, Cửa Việt, Chân Mây, Tiên Sa…
Đây là điều kiện cần để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo; các khu công nghiệp Nam Đông Hà; Quán Ngang; các cụm tuyến du lịch: Hiền Lương, Cửa Tùng, Khe Sanh, Lao Bảo... đã và đang được đầu tư về hạ tầng, thu hút đầu tư, đang từng bước phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư thời gian qua vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh. Sự đổi mới trong chiến lược thu hút đầu tư là việc cần phải làm ngay. Và mới đây, Quảng Trị đã ban hành đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025; tầm nhìn đến 2030.
Theo đề án này, tỉnh sẽ chuyển đổi từ việc lấy nguồn lực đầu tư từ ngân sách làm trung tâm sang việc lấy nguồn lực từ việc kêu gọi các nhà đầu tư làm chủ lực. Tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư trên 3 lĩnh vực chính: công nghiệp - xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ - du lịch.
Trong đó, các ngành công nghiệp sẽ tập trung khai thác các mảng mà địa phương có lợi thế như năng lượng tái tạo (điện khí, điện gió), chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là chế biến gỗ, silicat, dệt may.
Các ngành nông nghiệp được định hướng là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác các khu vực ven biển để tạo ra những sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao.
Cụ thể, danh mục ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Trị có 80 dự án, trong đó có 4 dự án vào lĩnh vực công nghiệp điện - năng lượng; 14 dự án vào sản xuất - chế biến nông nghiệp; 14 dự án vào sản xuất chế biến công nghiệp; cơ sở hạ tầng 22 dự án. Riêng dịch vụ giáo dục - y tế -du lịch chiếm 30 dự án.
Quảng Trị quyết tâm và có đủ điều kiện để xây dựng thành Trung tâm năng lượng của miền Trung, thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.
* Quảng Trị sẽ có những cải cách gì về chính sách, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư tìm đến?
- Quảng Trị đã trải qua một giai đoạn dài với nhiều khó khăn trong quá khứ. Nhưng Quảng Trị hiện tại đã bắt nhịp kịp thời với làn sóng phát triển chung của cả nước. Ngoài lợi thế về điều kiện tự nhiên thì tỉnh cũng đã xác định việc cải cách các thủ tục hành chính, cải cách tư duy để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư là yêu cầu bắt buộc.
Ngoài các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhà đầu tư khi đến với Quảng Trị còn được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ riêng. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua những chính sách riêng này.
Các nhà đầu tư được hỗ trợ theo từng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư kinh doanh như khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ; chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn thị trường đầu ra cho sản phẩm tùy từng dự án cụ thể.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn thể hiện rõ quan điểm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh.
Ít nhất mỗi tháng một lần, lãnh đạo UBND tỉnh họp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, thuế, giải tỏa công suất, đấu nối hệ thống điện...
* Một trong những điều mà các nhà đầu tư quan tâm khi đến Quảng Trị đó là hạ tầng giao thông để thuận tiện trong đi lại và thông thương hàng hóa, vậy tỉnh đã có những đầu tư nào để hỗ trợ nhà đầu tư về mảng này?
- Quảng Trị của giai đoạn hiện tại đang thay đổi để ngày càng phù hợp hơn và thuận lợi hơn với dòng chảy thu hút đầu tư. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã xác định cơ sở hạ tầng là điều kiện vô cùng quan trọng để các nhà đầu tư lựa chọn.
Vì vậy, chỉ trong 3 năm, Quảng Trị đã khởi động một loạt dự án động lực về hạ tầng để làm nền tảng cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Trong đó hạ tầng giao thông là lĩnh vực được tập trung đầu tư hơn cả.
Hiện chúng tôi đang cùng lúc triển khai 4 dự án hạ tầng "huyết mạch" làm nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo. Trong đó dự án xây dựng sân bay đã đến bước chuẩn bị cuối cùng.
Dự kiến sẽ sớm khởi công tại vùng Gio Linh. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy cũng đã khởi động từ hai năm nay để đón các tàu có trọng tải lớn trong việc trung chuyển hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông Tây.
Ngoài ra, hai tuyến đường huyết mạch khác cũng đã được phê duyệt đầu tư là tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và tuyến đường ven biển nối thẳng lên TP Đông Hà. Khi hệ thống hạ tầng này được hoàn thiện sẽ là một bước ngoặt với môi trường đầu tư của tỉnh. Các nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn gấp nhiều lần trong việc đi lại và thông thương hàng hóa.
Đây chính là cách mà Quảng Trị hỗ trợ các nhà đầu tư trong tương lai gần. Quảng Trị của hiện tại đã khác. Quảng Trị của tương lai sẽ càng khác hơn theo hướng năng động và hiệu quả hơn.
Ngày 24-5, Công ty Điện lực Quảng Trị ( PC Quảng Trị ) phối hợp với UBND xã Gio Châu (Gio Linh, Quảng Trị) tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình thương cho bà Trần Thị Hòa.