Ngày 30-5, thảo luận tổ về nghị quyết thí điểm chính sách đột phá phát triển TP.HCM (gọi tắt nghị quyết đột phá phát triển TP.HCM), hầu hết đại biểu phân tích kỹ vai trò, vị trí rất quan trọng cũng như đóng góp lớn của TP.HCM cho cả nước.
Đồng thời các đại biểu cũng nhìn nhận bối cảnh hiện nay TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, có dấu hiệu suy giảm kinh tế, có nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ. Từ đó, các đại biểu ủng hộ việc thông qua nghị quyết để TP.HCM vượt lên.
Phải định hình được các nội dung đặc thù cụ thể là gì
Một trong những nội dung được thảo luận nhiều là làm sao để thực hiện hiệu quả các chính sách kế thừa nghị quyết 54 trước đây. Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn về chính sách phí và lệ phí khi cho phép TP.HCM ban hành danh mục chưa có trong danh mục phí, lệ phí. Chính sách này kế thừa toàn bộ ở nghị quyết 54 nhưng chưa triển khai, chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Trước đây, do doanh nghiệp gặp khó khăn nên TP phải tạm dừng việc này. Ông Minh cho rằng việc đưa ra trong dự thảo cần có đánh giá kỹ lưỡng để triển khai giai đoạn tới hiệu quả hơn.
Ông Minh cũng lưu ý hết sức cân nhắc quy định thí điểm một số cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính, bù trừ chứng chỉ carbon. Ngoài ra, ông Minh lưu ý: "Quy định về kiểm soát khí thải, phương tiện giao thông sẽ tác động lớn đến lao động, người dân. Vì vậy các quy định đưa ra đòi hỏi phải có đánh giá, tác động kỹ lưỡng, do việc áp dụng thực hiện trong thời gian ngắn là năm năm sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động".
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng chính sách về trao đổi tín chỉ carbon là vấn đề khá mới. Do đó trong giải thích từ ngữ cần giải thích cụ thể thế nào là tín chỉ carbon, thị trường, sàn giao dịch tín chỉ carbon. Mặt khác, cần quy định thêm lộ trình thực hiện giao dịch trao đổi tín chỉ carbon của TP.HCM.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị cần phải định hình được các nội dung đặc thù cụ thể là gì, tránh tình trạng loay hoay cả năm mà TP.HCM vẫn chưa quyết định được, lại phải quay về trung ương để xin ý kiến.
Có thực hiện được không?
Băn khoăn này được đặt ra khi chỉ năm năm thí điểm nhưng có đến hơn 40 chính sách được đề xuất. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đặt vấn đề: "Nghị quyết thí điểm có năm năm thôi nhưng lại quá nhiều chính sách, không biết có triển khai được hết không? Sợ đôi khi mới chuẩn bị triển khai lại hết năm năm, giả sử tình huống đó xảy ra thì không biết làm sao?".
Ông Phương dẫn ví dụ về chính sách ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, đọc dự thảo thấy chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho các nhà đầu tư không lớn so với trách nhiệm họ phải làm. Trong khi muốn thu hút nhà đầu tư, phải thiết kế chính sách hỗ trợ, quyền lợi lớn hơn cái họ phải làm. Do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm.
Hay như việc giảm phát thải nhà kính, bù trừ theo tín chỉ carbon, ông Phương cho rằng còn mơ hồ. Hoặc về điện mặt trời ở các tòa nhà, cơ quan soạn thảo có nêu có 1.572 tòa nhà, dự kiến được 167 MW, đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng và nếu có tiền làm từ 2023-2030. Nhưng đại biểu thắc mắc chính sách này Nhà nước sẽ được lợi như thế nào, tiết kiệm chi ngân sách ra sao lại chưa được phân tích.
Nhà ở xã hội: nên hay không?
Cũng có những chính sách có sự tranh luận giữa việc nên hay không nên đề xuất, ví dụ chính sách về nhà ở xã hội. Dự thảo nghị quyết quy định TP.HCM không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đối với dự án nhà ở thương mại trên 2ha để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Thay vì đó, giao TP.HCM quyết định linh hoạt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với chính sách này. Nếu cứng nhắc buộc chủ đầu tư phải bỏ 20% tổng diện tích đất để làm nhà ở xã hội ngay trong dự án sẽ khiến giá nhà ở xã hội bán ra cao, người thu nhập thấp khó mua.
"Cơ chế linh hoạt này sẽ giúp TP.HCM linh động định giá phần đất dự án thương mại phải dành làm nhà ở xã hội, sau đó quy ra tiền để tạo quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội tập trung ở những khu vực phù hợp giá tiền cho người lao động", ông Hòa nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) chưa hoàn toàn đồng tình vì cho rằng cần đánh giá cẩn trọng để tránh xảy ra tình trạng nhà ở xã hội sẽ gắn với những khu vực cơ sở hạ tầng chưa phát triển bằng những khu vực khác, lại xa xôi cách biệt và nhất là không đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo đại biểu, dự thảo nghị quyết cần có những quy định chặt chẽ để đảm bảo nhà ở xã hội cũng được quy định, bố trí ở những vị trí quỹ đất hoán đổi thật sự tương xứng như quỹ đất mà dự án thương mại phải dành ra để xây dựng nhà ở xã hội.
"Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có cụ thể hóa nguyên tắc có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường, hạ tầng xã hội... Dự thảo nghị quyết này cũng cần quy định rõ như vậy", bà Cầm nêu ý kiến.
* Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng):
Cơ chế thí điểm nên vượt ra ngoài đường biên một chút
Điều này để mang tính đột phá. Nếu đi theo vạch có sẵn chẳng có gì là mang tính đột phá. Bởi vậy, cơ chế đặc thù, cái mới nên trao cho TP.HCM cách làm mới, thí điểm đột phá.
Vấn đề quan trọng là cách thức tổ chức, hậu kiểm và cơ chế hàng rào kỹ thuật để kiểm soát. Ví dụ cơ chế BT, luật đối tác công tư trước đây có quy định nhưng sau đó được sửa đổi và bỏ quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai cơ chế này là cần thiết trong điều kiện Nhà nước còn hạn hẹp nguồn lực, nên cần mạnh dạn cho TP.HCM thí điểm để đánh giá thực tiễn, từ đó đưa ra giải pháp.
* Chị CHÂU MINH HIỀN (công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM):
Để đội ngũ trẻ được góp sức nhiều nhất
Sự quan tâm của trung ương bằng cơ chế, chính sách thí điểm vượt trội để TP.HCM chủ động hơn, phấn đấu "đi trước, về đích trước", tiếp tục là TP.HCM nghĩa tình không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn "vì cả nước, cùng cả nước".
Trước khó khăn, thách thức, con người chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. TP.HCM từng có những tấm gương cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán, dám "xé rào" vì sản xuất, vì đời sống nhân dân, cho ra đời và thực hiện hiệu quả nhiều kế hoạch gắn liền với những cái tên Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ... Những kết quả tích cực từ TP.HCM, trung ương đã tổng kết, nâng thành lý luận.
Tôi cho rằng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm luôn đóng vai trò then chốt để có thể hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó với kết quả tốt nhất.
Sẽ không chờ đến khi có nghị quyết thay thế, tinh thần hành động vẫn phải ở mức quyết liệt nhất với sự năng động, sáng tạo, chưa bao giờ sợ khó, sợ khổ của tuổi trẻ TP.HCM như vốn có. Cần làm sao để đội ngũ trẻ góp sức nhiều hơn cùng lãnh đạo cụ thể hóa cơ chế thành hành động, chương trình cụ thể vì TP.HCM phát triển là để cùng cả nước đi tới.
K.ANH ghi
Tin vui từ TP.HCM: tăng trưởng quý 2 dự kiến 5,8%
Thảo luận tại tổ TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông báo tin vui từ Tổng cục Thống kê thông báo tăng trưởng trong quý 2-2023 của TP.HCM dự kiến đạt 5,87%. Tính cả sáu tháng đầu năm 2023, TP.HCM tăng trưởng 3,55%.
Ông Mãi cho hay trong quý 2-2023, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%. Tính cả sáu tháng đầu năm khu vực này của TP.HCM tăng 0,8% (quý 1-2023, khu vực này tăng trưởng âm). Riêng khu vực dịch vụ của TP.HCM trong quý 2-2023 tăng 7,16%. Tính cả sáu tháng khu vực này tăng 4,96%.
"Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan trung ương và các bộ ngành. Kết quả này là rất vui", ông Mãi nêu.
Nói thêm về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ông Mãi nói lần này các cơ chế chính sách tập trung khơi thông các nguồn lực xã hội. Nguồn lực đầu tư xã hội thông qua các hình thức PPP, BOT, BT... hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động các nguồn lực qua phát hành trái phiếu... "Nếu làm tốt, tôi tin rằng TP.HCM trong năm năm tới sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển", ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, trong nghị quyết này, cơ chế chính sách về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiềm lực rất to lớn và có thể chưa đo đếm được kết quả đó. Nếu làm tốt, đây sẽ trở thành động lực mới của TP và đất nước. Cùng với đó, cơ chế phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TP.HCM và TP Thủ Đức, để TP chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn.
"Rút kinh nghiệm từ triển khai nghị quyết 54, TP đã chủ động tham mưu xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện và phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tư, hướng dẫn để triển khai", ông Mãi cho hay.
N.AN - T.CHUNG - T.LONG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thảo luận tại tổ):
Phải tạo điều kiện cho TP.HCM có cơ chế cạnh tranh được với quốc tế
Nghị quyết 54 đã tháo gỡ cho TP.HCM một số vấn đề nhưng một số vấn đề còn chậm, chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ nghị quyết 54 cho cơ chế về dư nợ vay đến 90% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp nhưng mới được 31%. Hay huy động nhân tài, nhà khoa học nhưng chưa làm được nhiều, huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ của TP cũng chưa nhiều.
Các chủ trương, đường lối của Đảng nêu rõ TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt, lan tỏa, đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế và còn quy định trung tâm tài chính quốc tế. Do đó phải tạo điều kiện cho TP có cơ chế theo hướng vượt trội với pháp luật trong nước, cạnh tranh được với quốc tế, đột phá đủ mạnh, xứng đáng với nghị quyết của Quốc hội giúp TP phát triển mạnh hơn.
Các cơ chế chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TP.HCM để TP thực hiện. Bởi hiện nhu cầu của TP rất lớn, nhu cầu về đường sắt đô thị rất lớn nhưng chưa làm được hay ùn tắc giao thông, úng ngập, quá tải hạ tầng y tế, xã hội, ách tắc giao thông. Nhiều người đang ví TP.HCM đang mặc áo chật quá, cần nới ra để TP phát triển.
Bên hành lang Quốc hội ở kỳ họp cuối năm 2017, trả lời Tuổi Trẻ vì sao phải có nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "Nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà vì sự phát triển chung cả nước".