Trong 1 tuần qua, dòng tiền đầu cơ tìm đến nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ (penny) giúp nhiều mã trong nhóm này nổi sóng, trong đó có những mã tăng trần nhiều phiên liên tiếp và đã được HOSE yêu cầu giải trình như TDH, nhưng cũng có mã cũng tăng dựng đứng mà không phải giải trình nhờ ngắt sắc tím giữa 6 phiên tăng trần liên tiếp.
Ngoài TDH và EVG, cũng phải kể đến nhiều mã bất động sản thị giá nhỏ khác cũng đã nóng lên trong tuần này như LGL, QCG, VRC, TLD…
Tuy nhiên, mã gây chú ý nhất trong phiên hôm qua và hôm nay là LDG. Trong phiên hôm qua, sau thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để làm rõ sai phạm trong việc xây dựng 488 căn biệt thự, nhà liên kế trái phép tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do LDG làm chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt xả hàng.
Cổ phiếu này trước đó đã có 2 phiên tăng mạnh, nên thông tin trên là cái cớ rất tốt để nhà đầu tư lướt sóng T+ chốt lời. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác lại cho rằng, tin xấu ra là thời điểm để mua vào, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư khác xả hàng giá thấp. Do đó, LDG đã có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản lên mức cao nhất 15 tháng.
Với những nhà đầu tư đã thoát được hôm qua cũng đã mỉm cười với thành tích nhanh tay và thu được lợi nhuận, dù không quá lớn. Tuy nhiên, những người “đặt cược” mua vào hôm qua cũng có được nụ cười khi trong phiên giao dịch sáng nay, LDG đã bật tăng trở lại giống như dự đoán của họ.
Ngay khi mở cửa phiên sáng nay, LDG đã bật tăng lên mức 4.580 đồng, tương đương mức tăng hơn 4,3%. Tuy sau đó đà tăng hạ nhiệt, nhưng hiện cổ phiếu này vẫn giữ được mức tăng hơn 2% với thanh khoản hơn 6 triệu đơn vị, đứng trong Top 5 mã có thanh khoản lớn nhất sàn.
Trong khi đó, TDH và EVG vẫn chưa hết nóng khi tiếp tục tăng kịch trần, với TDH là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp với tổng mức tăng gần 49%. Sau phiên tăng trần hôm qua, phiên tăng thứ 5 liên tiếp, HOSE đã có văn bản yêu cầu TDH giải trình và dĩ nhiên, dù TDH chưa có văn bản giải trình, nhưng nhà đầu tư nào cũng đoán được nội dung không thể thiếu là “do cung cầu thị trường”, cộng thêm với các thông tin liên quan đến vụ việc cưỡng chế thuế đã công bố trước đó.
Tuy nhiên, khác với 5 phiên tăng trần trước đó khi bên bán ghim hàng, sáng nay khi mức lợi nhuận là gần 49%, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời, giúp thanh khoản của TDH tăng mạnh, khớp gần 2,7 triệu đơn vị, mức cao nhất 1 năm rưỡi dù mới chỉ bước qua nửa phiên sáng. Lực bán mạnh cũng khiến lượng dư mua giá trần không còn nhiều và nếu lực bán không dừng lại, khả năng chuỗi tăng trần liên tiếp của TDH sẽ dừng lại ở con số 5.
Trong khi đó, EVG tiếp tục tăng mạnh, lên mức 7.020 đồng, có lúc lên trần 7.040 đồng. Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của EVG kể từ ngày 19/4 với tổng mức tăng 61%.
Ngoài ra, QCG, LGL, VRC, CRE trong nhóm bất động sản cũng có sắc tím. Ngoài các mã trên, nhóm bất động sản tiếp tục duy trì đà tăng tốt khi sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng các mã bluechip trong nhóm này giống như các mã bluechip ở các nhóm khác lại tỏ ra yếu thế hơn.
Nhóm ngân hàng chỉ có 3 sắc xanh nhạt, nhóm chứng khoán cũng chỉ có 5 mã tăng, nhóm thép tích cực hơn, nhưng mã đầu ngày là HPG lại đứng tham chiếu, HSG giảm 1,6% sau thông báo thông tin kết quả kinh doanh bán niên thua lỗ và có khả năng bị cắt margin.
Trong khi đó, cổ phiếu BCG sau ít phút rung lắc nhẹ, đã nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền sau thông tin về việc dự án điện mặt trời Phù Mỹ của Công ty được công nhận vận hành thương mại sớm nhất trong các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, giúp giá cổ phiếu BCG tăng vọt lên mức trần 9.820 đồng, trước khi đóng cửa dưới 1 bước giá ở mức 9.810, tăng 6,9% với thanh khoản 13,18 triệu đơn vị, đứng thứ 5 về thanh khoản trên sàn HOSE.
Sắc tím cũng lan rộng ra nhiều mã khác như NHH, DXS, KHP, HID, SHA, DAG, trước đó nữa là GIL, LSS… Sắc xanh cũng chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 220 mã tăng, trong đó có 20 mã trần, trong khi chỉ có 143 mã giảm, trong đó có 4 mã sàn, nhưng do nhóm bluechip vẫn chịu sức ép nên VN-Index vẫn giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ và chốt phiên sáng giảm nhẹ, thanh khoản cũng giảm hơn so với phiên sáng qua.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,38 điểm (-0,13%), xuống 1.076,67 điểm, tổng khối lượng giao dịch 424,4 triệu đơn vị, giá trị 7.060,9 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25 triệu đơn vị, giá trị 805,3 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản, NVL có giao dịch sôi động nhất, phần lớn thời gian đứng top 1 về thanh khoản trước khi bị HSG vượt qua cuối phiên. Chốt phiên, NVL tăng 1,9% lên 13.600 đồng, khớp 18,14 triệu đơn vị. Trong khi đó, LDG hạ thấp độ cao thêm về cuối phiên, chốt phiên chỉ tăng 1,8% lên 4.470 đồng, khớp 7,77 triệu đơn vị, đứng thứ 9 về thanh khoản. Trong khi DIG chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 21.000 đồng, có thanh khoản 8,16 triệu đơn vị.
HSG sau thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh bị bán mạnh, nhưng bên mua cũng tranh thủ gom hàng giá thấp với kỳ vọng Công ty sẽ có cải thiện hơn trong nửa cuối năm nhờ đầu tư công được đẩy mạnh và thị trường bất động sản hồi phục, nên thanh khoản vươn lên số 1 trên sàn HOSE với 22,98 triệu đơn vị, dù đóng cửa giảm 3,2% xuống 15.350 đồng.
HPG cũng không giữ được đà khi đóng cửa giảm nhẹ 0,5% xuống 21.250 đồng, khớp 4,53 triệu đơn vị. Trong khi đó, NKG lại tăng nhẹ 0,3% lên 15.550 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị.
VN-Index giảm điểm trong sắc xanh bao trùm thị trường do các mã bluechip níu chân, trong đó đáng kể là VHM và VCB. Cụ thể, VHM giảm 1,6% xuống 54.000 đồng và VCB giảm 0,9% xuống 93.700 đồng.
Nhóm ngân hàng ngoài VCB, còn có hàng loạt mã khác giảm nhưng chỉ giảm nhẹ, trong khi chỉ có 4 sắc xanh nhạt tại TPB, SHB, VIB và LPB.
Trái ngược với VN-Index, chỉ số chính trên sàn HNX lại chỉ dao động trong sắc xanh suốt phiên sáng khi không chịu ảnh hưởng tiệc cực nào của nhóm bluechip.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,32 điểm (+1,05%), lên 223,65 điểm với 116 mã tăng (17 mã trần), trong khi chỉ có 49 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 59,6 triệu đơn vị, giá trị 890 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 2,8 triệu đơn vị, giá trị 47,5 tỷ đồng.
SHS là mã có thanh khoản tốt nhất HNX với 5,74 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tham chiếu 11.800 đồng. Trong khi 3 mã có thanh khoản tốt tiếp theo đều tăng giá tốt, trong đó PVS tăng 1,6% lên 31.100 đồng, khớp 4,21 triệu đơn vị; HUT tăng 3,3% lên 18.800 đồng, khớp 3,28 triệu đơn vị; IDJ tăng 4,00% lên 15.500 đồng, khớp 3,02 triệu đơn vị.
Trong khi đó, mã đứng ở vị trí thứ 5 về thanh khoản là CEO lại giảm nhẹ 0,7% xuống 27.000 đồng, khớp 2,89 triệu đơn vị.
UPCoM cũng chỉ có sắc đỏ nhạt đầu phiên, sau đó nhanh chóng bật lại và giữ đà tăng tốt trong suốt thời gian còn lại của phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,47%), lên 82,06 điểm với 175 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 46,1 triệu đơn vị, giá trị 426,3 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị gần 12 tỷ đồng.
Các mã penny trên thị trường này có sóng lớn, trong đó VHG khớp 8,77 triệu đơn vị, cao nhất UPCoM, đóng cửa ở mức kịch trần 3.300 đồng (+13,8%). Các mã tăng trần khác khi đóng cửa phiên sáng là PXI lên 3.600 đồng, khớp 2,31 triệu đơn vị, KVC lên 2.400 đồng, khớp 1,62 triệu đơn vị, PXL lên 8.900 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, BSR lại giảm 0,6% xuống 17.200 đồng, khớp 4,49 triệu đơn vị, đứng sau VHG.
Các mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị còn lại có HHG tăng trần lên 2.000 đồng, chỉ có OIL đứng tham chiếu 10.200 đồng, còn lại đều tăng khá tốt.