Nền kinh tế có thời điểm rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội sáng nay, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhận định, kết thúc năm 2022 đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là vẫn còn chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn nhiều hạn chế và việc quá chú trọng về kiềm chế lạm phát, chưa tính toán việc tận dụng thời cơ để điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhằm giảm áp lực lạm phát trong năm 2023, đồng thời việc áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát nhưng lại chưa đánh giá kỹ tác động cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn và việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm cũng là những bất cập trong công tác điều hành.
"Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ", đại biểu Sang nêu.
Theo Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, tình hình kinh tế của những tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, đó là: Tăng trưởng GDP quý I rất thấp, chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp đều giảm và trên đà suy yếu, chậm giải ngân vốn đầu tư công, lãi suất cho vay vẫn còn cao và tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới;
Số doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến và người lao động mất việc tại các khu công nghiệp; số liệu về lao động việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ lại mâu thuẫn với tình hình kinh tế hoạt động của doanh nghiệp; thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số tiêu dùng bình quân.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như” chậm lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030; chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án, chương trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, đầu tư kéo dài; nhiều vụ việc xảy ra cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng, thị trường bảo hiểm; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để và tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.
"Tôi đề nghị Chính phủ cũng nhận diện để bổ sung đầy đủ trong báo cáo về những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có những giải pháp hữu hiệu trong việc điều hành về kinh tế - xã hội trong thời gian tới", đại biểu Sang nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, theo báo cáo thì có 2/17 chỉ tiêu không đạt, gồm "tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động". Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt liên quan đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, một số khoản thu, chi thấp hơn dự toán hoặc thấp hơn số liệu đã báo cáo Quốc hội như thu hồi vốn nhà nước, ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu bảo vệ môi trường, tổng phương tiện thanh toán tăng thấp, lạm phát thấp trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao là vấn đề cần quan tâm trong quản lý tài khóa và tiền tệ.
Hoạt động một số ngành, lĩnh vực bị chững lại hoặc gặp nhiều khó khăn như: Xuất nhập, khẩu, sản xuất công nghiệp, giải ngân đạt thấp dẫn đến tồn đọng vốn nhiều, công tác an toàn thông tin, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức... Như vậy, kết quả cuối cùng về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 đã đạt được tương đối khả quan, nhiều chỉ tiêu vượt so với số đã báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu kết quả đạt giảm so với số đã báo cáo, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Đại biểu Trần Văn Tiến, về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương ngay từ những ngày đầu năm thực hiện Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nền kinh tế. Cho nên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thương mại dịch vụ có xu hướng tăng; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản được ổn định; thu từ dầu thô, giải ngân vốn đầu tư về giá trị tăng cao hơn cùng kỳ, làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục được quan tâm.
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế như, theo đại biểu Tiến: "Tăng trưởng đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, thu ngân sách có xu hướng giảm và thấp hơn cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm, xuất siêu chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, một số khoản thu đạt thấp như thuế bảo vệ môi trường, các loại phí, lệ phí, các khoản thu về nhà đất... tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là giải ngân các chính sách hỗ trợ, thị trường tín dụng tăng thấp".
Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký và thực hiện giảm, số doanh nghiệp thành lập mới trở lại hoạt động giảm, trong khi số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao so với cùng kỳ. Xuất hiện tình trạng mất việc làm ở một số địa phương và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
"Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, không mấy khả quan. Trong những tháng còn lại của năm, nếu không quyết liệt, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nền kinh tế thì cuối năm 2023 sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế", ông Tiến nêu quan điểm.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Tô Ái Vang, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Sóc Trăng, đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tín dụng linh hoạt hơn, là giao tổng room tín dụng từ đầu năm cho các nhà băng và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.
Vị đại biểu đoàn Sóc Trăng cũng cho rằng, mức giảm thuế VAT 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế, bởi trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì cần xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua cho nền kinh tế. Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế VAT từ 3 - 4% thay vì chỉ giảm 2% và kéo dài đến hết năm 2024.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng bày tỏ quan điểm mức giảm 2% với thời gian áp dụng chỉ 6 tháng là quá ít. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị, thay vì chỉ giảm thuế VAT xuống 8% thì nên cân nhắc giảm xuống mức 3-5%.
Ông Vân nói rằng, hiện nay nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế VAT sẽ tỷ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải. Do đó, rất cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước./.
Trước đó, Chính phủ đã đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, áp dụng từ lúc ban hành nghị quyết (dự kiến ngày 1/7/2023) đến hết 31/12/2023 và có mở rộng áp dụng đối với tất cả nhóm ngành nghề chịu thuế VAT, bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin..., những nhóm chưa được giảm trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nhóm đối tượng đã áp dụng trong năm 2022, sau đó Chính phủ đã điều chỉnh tờ trình như Nghị quyết 43.
Xem thêm: lmth.39891000042210202--peihgn-hnaod-ohc-nahk-ohk-og-pahp-iaig/nv.semitaer