Cần thái độ "phụng sự doanh nghiệp"
Thảo luận chiều 31-5, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ, để cứu nguy, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông An chỉ ra 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là thiếu hụt đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp cũng đang khát tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, nếu tiếp cận được cũng rất khó để giải ngân do điều kiện, thủ tục.
Ông đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, dù vẫn cao. Tuy nhiên việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc giúp nguồn vốn đó đến đúng, trúng và trực tiếp với doanh nghiệp.
Cũng cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn, và đặc biệt cần thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy".
Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ "phụng sự doanh nghiệp", chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.
"Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển nên làm ngay, quyết định ngay. Bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành để tránh đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp 'đã gần đất xa trời'", ông An nêu.
Không để cái gì Thủ tướng cũng phải ra công điện đôn đốc
Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình, ông An cho rằng các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.
Cùng với đó, trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống.
Dẫn các ví dụ thời gian qua người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng mua xăng, đăng kiểm, xin lý lịch tư pháp..., đại biểu Đồng Nai nhấn mạnh: "Trong quản lý, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu. Không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ ra nghị quyết gỡ khó".
Ông An cũng đề cập yêu cầu hỗ trợ thu nhập, nâng cao đời sống, nhất là chế độ tiền lương thu nhập, để cán bộ, chiến sĩ quân đội yên tâm phục vụ. "Lương của sĩ quan chuyên lái xe tăng chưa bằng một nửa lái xe Grab trong 1 tháng, như vậy rất thiệt thòi cho anh em", ông An nói.
Không thay đổi chuẩn phòng cháy, chữa cháy, hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa
Một số đại biểu Quốc hội cũng nêu thực trạng vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy làm khó doanh nghiệp, là một trong những nguyên nhân khiến "sức khỏe" doanh nghiệp suy yếu, gặp nhiều bất ổn, khó khăn.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết sau khi điều chỉnh các quy chuẩn an toàn cháy nổ, nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện đã buộc phải tạm dừng hoạt động.
Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc này, nhưng thực hiện còn chậm, nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhìn nhận: "Nếu không có sự thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy sẽ có hàng nghìn cơ sở, doanh nghiệp phải đóng cửa".
Đại biểu kiến nghị tháo gỡ ngay những vướng mắc về phòng cháy chữa cháy, xem xét lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành, không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính khả năng áp dụng thực tiễn.
Nguồn vốn trong ngân quỹ quốc gia dư thừa lớn và không giải ngân được, đại biểu Quốc hội đề nghị linh hoạt bố trí để hỗ trợ an sinh, xây nhà ở và chuyển đổi nghề cho người lao động.