Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới?
Chiều 31-5, phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết dự kiến tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chính sách cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương.
Bà Mai cho biết sau 4 lần cải cách tiền lương, hiện thực tế lương cán bộ công chức vẫn khá thấp: "Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới? Sẽ khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển, nhưng so với các nước trong khu vực có khoảng cách không nhỏ".
Bà Mai dẫn chứng một sinh viên Việt Nam mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình công chức trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi ở Thái Lan là 56,7 triệu, Malaysia 29 triệu, Campuchia 17 triệu đồng.
Theo bà Mai, nghị quyết 27 của trung ương đề ra lộ trình cải cách cụ thể, nhưng đã 3 năm Chính phủ lỡ hẹn việc đề nghị thời điểm cải cách tiền lương, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế.
Bà đặt vấn đề tới đây cải cách tiền lương chưa rõ mức tăng là bao nhiêu nhưng cần thay đổi căn bản thực chất, không chỉ hình thức.
"Bối cảnh hội nhập, rào cản quốc gia không còn là vấn đề, cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt. Đặc biệt các quốc gia đang đối mặt già hóa dân số, thu hút nhập cư là chìa khóa tăng trưởng kinh tế.
Nếu không có chính sách hợp lý thì hoàn toàn thua ngay trên sân nhà trong thu hút nhân lực chất lượng cao", bà Mai nói thêm.
Bà Mai kiến nghị thực hiện nghiêm quy định ở nghị quyết 27, theo đó hằng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương để dành tăng lương.
Phân bổ đúng trật tự ưu tiên khi dùng nguồn tăng thu, tức là ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư.
Năm 2022 tăng thu lớn, ngân sách trung ương là 195.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương 208.000 tỉ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương 269.000 tỉ đồng, trong số này cần dành nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương.
"Coi trả lương là hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, tương lai. Chỉ khi đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến, nhưng cần chính sách đủ mạnh, tạo niềm tin cho người lao động", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Quyết tâm công phá "sợ sai"
Giải trình ở cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đã làm nóng nghị trường.
Bà Trà cho biết hiện trạng này không diễn ra đơn lẻ, mà ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành trung ương, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công...
Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước...
Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ đang tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Hiện bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, 63 tỉnh thành, thẩm định của Bộ Tư pháp.
Nhưng do vướng về mặt pháp lý, thẩm quyền nên bộ đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền. Nếu cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Bà Trà cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Lưu Mai và cho biết sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo thu nhập của cán bộ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để "quyết tâm công phá sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ".
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng phải tổng kết xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu liên quan cán bộ sợ sai, không dám làm và bao nhiêu người đã "đứng sang một bên" khi không làm được việc.