TTCK Trung Quốc đang liên tục sụt giảm, chịu tác động lớn trước sự bi quan của thị trường về khả năng hồi phục của nền kinh tế. Dữ liệu chính thức được công bố đang cho thấy một “bức tranh” khó đoán, với doanh số bán lẻ, sản xuất nhà máy và đầu tư tài sản cố định đều thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.
Eric Khaw, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao về thị trường châu Á tại Nikko Asset Management, cho hay: “Tôi nghĩ điều mà nhà đầu tư trước đây đánh giá thấp đó là những ‘vết sẹo’ mà đại dịch để lại. Hiện tại, nỗi sợ hãi dường như đang chi phối tâm lý thị trường.”
MSCI China Index đã rơi vào thị trường “con gấu” vào tuần trước, sau khi giảm hơn 20% từ đỉnh hồi tháng 1. Các chỉ số ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng cùng xu hướng lao dốc. Ở phiên 31/5, Hang Seng Index sụt 1,9%, đưa mức giảm từ đầu năm đến nay xuống 7,8%. CSI 300 - bao gồm các doanh nghiệp niêm yết lớn nhất ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến, đóng cửa thấp hơn 1%, đưa mức giảm cả năm nay lên 1,9%.
Chính phủ Trung Quốc trước đó vào tháng 11 đã nỗ lực đưa ra các biện pháp để vực dậy ngành bất động sản và bất ngờ dỡ bỏ các quy định hạn chế phòng dịch vào tháng sau đó. TTCK ngay lập tức liên tục thăng hoa cho đến cuối tháng 1 và các quỹ ở Mỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc đón nhận dòng vốn tới 2 tỷ USD.
Cổ phiếu của các công ty internet lớn bao gồm Alibaba, Tencent và JD.com nằm trong số hưởng lợi lớn từ đợt hồi phục của thị trường ở thời điểm ấy. Các doanh nghiệp này đã bớt lo ngại hơn sau khi Bắc Kinh phát tín hiệu rằng sẽ chấm dứt đợt siết chặt chính sách với các nền tảng internet.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của các công ty này không chắc chắn về đà hồi phục. CEO Alibaba - Daniel Zhang, gần đây cho biết niềm tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn cần được thúc đẩy thêm. Trong khi đó, CFO của JD.com, Sandy Xu, nói rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể vẫn thận trọng, đặc biệt là với những mặt hàng giá trị cao.
Trong năm nay, cổ phiếu Alibaab giảm 9,7%. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của JD.com mất 43% giá trị và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đợt niêm yết thứ 2 vào năm 2020 sau phiên 31/5.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng lo ngại về tình hình chính trị cả trong và ngoài nước. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng hơn kể từ tháng 2, khi các quan chức Mỹ bắn hạ một quả bóng được cho là vật do thám của Trung Quốc. Các nhà phân tích của Citi cho biết việc Trung Quốc tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia sẽ khiến các chính sách của quốc gia này khó có thể thúc đẩy đà tăng trưởng.
Theo Sat Duhra, giám đốc danh mục đầu tư chiến lược cổ tức tại Janus Henderson Investments châu Á, nhận định dù giới chức Trung Quốc đã nới lỏng với lĩnh vực công nghệ nhưng nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng các doanh nghiệp khác bị kiểm soát gắt gao.
Ngoài ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cũng trồi sụt trong thời gian gần đây. Hang Seng China Central State-Owned Enterprises Index, theo dõi cổ phiếu của các công ty nhà nước đại lục niêm yết tại Hồng Kông, đạt đỉnh hồi đầu tháng 5 khi nhà đầu tư cho rằng nhóm này sẽ hưởng lợi từ các chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, kể từ đó, chỉ số này giảm 10%.
Một số nhà đầu tư khác thì tìm cách đặt cược vào nền kinh tế mà né tránh mua cổ phiếu Trung Quốc. Họ chuyển sang mua cổ phiếu của các nhà sản xuất hàng xa xỉ và các công ty bán hàng cho người tiêu dùng trong nước.
Năm nay, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5%. Đây là một con số thận trọng so với những mục tiêu trước đây của nước này, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dự báo ở hầu hết các nền kinh tế lớn khác.
Tham khảo WSJ; Bloomberg