Theo Hãng tin AFP, ngày 31-5, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật mới về niên hạn lò phản ứng hạt nhân. Đạo luật này vẫn giữ niên hạn tối đa của các lò phản ứng hạt nhân là 60 năm, song bổ sung ngoại lệ cho các trường hợp ngừng hoạt động do "không lường trước".
Một nghị sĩ Nhật Bản không nêu tên khẳng định với Hãng tin AFP rằng đạo luật mới nhằm "tạo hệ thống cung ứng điện cho một xã hội không phát thải carbon".
Đạo luật mới quy định các lò phản ứng hạt nhân phải được đơn vị giám sát an toàn hạt nhân của Nhật Bản thông qua để được kéo dài niên hạn. Bên cạnh đó, các lò phản ứng cũ cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện an toàn cụ thể.
Tuyên bố chính thức của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản nêu rõ chính phủ nước này muốn "đảm bảo nguồn cung điện ổn định, song vẫn khuyến khích việc sử dụng các nguồn điện không phát thải carbon".
Việc thông qua đạo luật này được xem là một phần nỗ lực hồi sinh nền công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nhật Bản. Từ khi thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima diễn ra vào năm 2011 đến nay, hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đều bị đóng cửa.
Tuy nhiên, những yêu cầu về năng lượng và khí hậu Nhật Bản đang phải đối mặt, cùng với đó là cái nhìn dịu dần của thế giới về năng lượng hạt nhân đang thúc đẩy quốc gia Đông Á này cho các lò phản ứng hoạt động trở lại.
Các nước phương Tây đang quay lại với năng lượng hạt nhân, đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga.