Châu Á sợ Mỹ vỡ nợ
Theo Hãng tin AFP, các sàn chứng khoán châu Á ngày 31-5 đồng loạt chứng kiến sắc đỏ. Trong đó, sàn Hong Kong có mức giảm lớn nhất, lên đến 2%. Các sàn Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Singapore… cũng giảm.
Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán ở một số sàn châu Âu như London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) cũng giảm trong những giờ đầu sau khi mở phiên. Chứng khoán Mỹ cũng được dự báo sẽ giảm.
Xu hướng này đi ngược lại với không khí lạc quan hôm 29-5, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt thỏa thuận về trần nợ công.
Ngay sau khi thỏa thuận này được công bố, một bộ phận không nhỏ đến từ cả hai đảng đều đã chỉ trích thỏa thuận này. Phía Đảng Cộng hòa, dẫn đầu bởi nhóm dân biểu cực hữu Freedom Caucus, cho rằng các cam kết cắt giảm chi tiêu còn quá ít.
Ở chiều ngược lại, phía Đảng Dân chủ không hài lòng với việc ông Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu dưới mọi hình thức.
Dân biểu Chip Roy, thành viên quan trọng của nhóm Freedom Caucus, chỉ trích thỏa thuận: "Không đảng viên Cộng hòa nào nên bỏ phiếu thuận cho thỏa thuận này. Đây là một thỏa thuận tồi tệ. Chúng ta không được bầu ra để vay thêm 4.000 tỉ USD và không nhận lại gì cả".
Phản ứng gay gắt trên khiến không ít nhà đầu tư sợ rằng dự luật này sẽ không được Hạ viện thông qua ngay lần biểu quyết đầu tiên, dự kiến vào ngày 31-5 (giờ địa phương).
Kể cả khi được thông qua, dự luật tiếp tục được gửi sang Thượng viện nghiên cứu và biểu quyết - quá trình có thể kéo dài đến sát ngày 5-6, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ dự đoán nước này sẽ vỡ nợ.
Chỉ cần một trong hai viện của Quốc hội không thông qua hoặc yêu cầu sửa một khoản nhỏ trong dự luật này, Mỹ sẽ lại đứng sát bờ vực vỡ nợ.
Kinh tế Mỹ, Trung đều gặp khó
Một nguyên nhân khác khiến thị trường sụt giảm là đà hụt hơi của kinh tế Trung Quốc. Bất chấp kỳ vọng phục hồi hậu zero-COVID và những nỗ lực tạo động lực cho nền kinh tế, tốc độ phát triển của Trung Quốc năm 2023 vẫn còn khá trì trệ.
Ông Vey-Sern Ling - chuyên gia tại Ngân hàng Union Bancaire Privee - nhận định: "Sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc là một trong những lo ngại của nhà đầu tư, bên cạnh các yếu tố về địa chính trị".
Ở bên kia Thái Bình Dương, Mỹ đang đối mặt với tình hình lạm phát không suy giảm. Do đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư tin Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ điều chỉnh tháng 6.
"Khả năng cao Fed tiếp tục thắt chặt kinh tế, khiến viễn cảnh kinh tế suy thoái ngày một rõ ràng", bà Shana Sissel - giám đốc điều hành Công ty tài chính Banrion Capital Management - dự đoán.
Phân tích các điểm trong thỏa thuận về trần nợ công vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy thống nhất để tránh vỡ nợ.