Các chỉ đạo thiên về kinh tế của Tổng thống Biden trong khoảng thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên có thể được xem là có cả mặt ưu và nhược, trong đó mặt nhược nhỉnh hơn.
“Hội nhập lại với quốc tế”
Khía cạnh ưu trong chính sách kinh tế của Biden là ông đang thực hiện mọi nỗ lực để đưa nước Mỹ khỏi tình trạng lạnh giá và tái xác lập vai trò lãnh đạo kinh tế quốc tế truyền thống trên trường quốc tế.
Ông Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris và tái xây dựng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 4 năm nước Mỹ thời Tổng thống Trump không ngừng công kích tổ chức này.
Ông Biden cũng tái xác nhận một cách mạnh mẽ sự ủng hộ của Mỹ cho Ngân hàng Thế giới (WB) và cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trên thực tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực liên quan đến việc giúp đỡ các nước đương đầu với thách thức kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Gần như không có gì ngạc nhiên khi các đối tác kinh tế truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang cùng thở phào nhẹ nhõm sau 4 năm ông Trump thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đối với các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhưng vẫn bảo hộ nền kinh tế Mỹ
Tuy nhiên ông Biden vẫn chưa làm được gì để đảo ngược chính sách thương mại mang tính bảo hộ của ông Trump . Mỹ vẫn tham gia cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc và Mỹ vẫn duy trì các thuế quan đối với nhôm thép châu Âu. Đồng thời Mỹ vẫn nằm bên ngoài quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và ông Biden chưa thể hiện xu hướng tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do mới nào. Tổng thống Biden cũng chưa thể hiện lòng quyết tâm thực sự trong việc đoạn tuyệt với chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm.
Không những vậy, Tổng thống Biden còn trình lên Quốc hội Mỹ gói kích thích ngân sách trị giá 1.900 tỷ USD. Ông hiện còn đang đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn và một dự thảo chi tiêu dài hạn cho gia đình, mỗi dự án đều có giá gần 2.000 tỷ USD.
Chính sách kinh tế trên của ông Biden có thể khiến nền kinh tế Mỹ trở nên quá nóng và rơi lại vào tình trạng lạm phát cao. Vào năm 2021, Mỹ sẽ tiếp nhận tới 13% GDP dưới dạng hỗ trợ tài khóa.
Làn sóng định giá tài sản cao và bong bóng tín dụng
Một vấn đề khác trong chính sách ngân sách của ông Biden là nó có thể làm bùng nổ giá tài sản và tạo ra các bong bóng thị trường tín dụng hiện xuất hiện cả ở Mỹ và các nước còn lại trên thế giới.
Khi ấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể buộc phải nâng lãi suất để ứng phó với các vấn đề về lạm phát.
Trước mắt, việc ông Biden mở cửa hoạt động đầu tư công có thể nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của công chúng. Tuy nhiên không rõ chính sách kinh tế của ông Biden có tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi nữa hay không, khi “bữa tiệc đột ngột kết thúc và hóa đơn thanh toán chi tiêu công đến”./.