vĐồng tin tức tài chính 365

Người chuyên viết sách về biệt động và tình báo ở Sài Gòn

2021-05-01 11:13

Bắt đầu viết sách khi đã về hưu, người giáo chức già Mã Thiện Đồng bỗng trở thành một cây viết trẻ trong làng xuất bản. Điều đặc biệt, các cuốn sách của bà xoay quanh đề tài về những nhân chứng lịch sử, của những thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Viết sách để giáo dục truyền thống

 . PV: Khi còn giảng dạy trong trường, bà là một cô giáo dạy văn. Tại sao khi bắt tay vào viết sách bà lại chọn những đề tài và nhân vật lịch sử để khai thác trong các cuốn sách của mình?

+ Tác giả Mã Thiện Đồng: Tôi có suy nghĩ là một nhà giáo dạy văn, dù có đứng trên bục giảng hay không thì tôi cần truyền thụ cho học sinh những cái hay cái đẹp trong cuộc sống, để các em thêm yêu con người, yêu tổ quốc Việt Nam; giáo dục truyền thống yêu nước là điều quan trọng để các em học tập và phát huy. Tôi viết sách về các nhân chứng lịch sử cũng thế.

. Nhưng tại sao phải đợi đến khi về hưu ý định của bà mới được thực hiện ?

+ Khi về hưu, tôi có điều kiện gặp những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, những chiến sĩ tình báo, được nghe họ kể chuyện. Nghe xong tôi thấy hay quá, sẵn có lòng nhiệt tình và đam mê với với đề tài này, tôi đã đi gặp họ, nghe kể lại. Ý tưởng viết sách về đề tài Biệt động Sài Gòn và Tình báo cũng đã ra đời. Tôi viết những trang sách miêu tả lại một thời hào hùng để tôn vinh truyền thống. Ngoài ra, còn để những những con người làm nên trang sử hào hùng của dân tộc không bị chìm vào quên lãng.

Người chuyên viết sách về biệt động và tình báo ở Sài Gòn - ảnh 1
Bà Mã Thiện Đồng (trái) và nữ điệp viên Tám Thảo AHLLVTND, nhân vật viết trong cuốn sách "Bước ra từ thầm lặng." trong chuyến thăm Hà Nội ngày 23-4-2021. Ảnh: VT

. PV: Để các nhân chứng lịch sử kể lại chuyện của mình một cách thoải mái và tiết lộ nhiều chi tiết độc đáo cũng không phải là điều dễ, bà làm thế nào để được các nhân vật cởi mở với mình ?

+ Trước hết phải có sự đồng cảm giữa người viết và nhân vật. Tôi đến với họ như một người bạn, gợi lại quá khứ và chia sẻ những tâm tư, nên họ cảm mến và kể chuyện lại tỷ mỉ cho tôi viết. Những người từng trên 50 năm hoạt động và trưởng thành Sài Gòn, đầy kinh nghiệm và thành đạt, họ không dễ tính nếu như ta biến họ thành nhân chứng cung cấp tư liệu. Họ chỉ chấp nhận khi người viết hiểu và biết tôn trọng, biết sẻ chia với tâm hồn và tình cảm của những chiến sĩ cách mạng không quân phục, sống nhiều mặt ngay trong đô thành Hòn Ngọc Viễn Đông.

Chỉ phản ảnh phần nào hiện thực

. Rất nhiều nhân chứng lịch sử đã xuất hiện trong sách của bà, nhưng nhân vật nào gây ấn tượng mạnh với bà nhất ?

+ Đúng là có rất nhiều nhân chứng khiến tôi ấn tượng. Ví dụ như người tình báo khi bị bắt và tra tấn; kết cục một đại tá CIA Mỹ đã phải thốt lên “Ôi! Một sinh vật bằng thép, thử sức nhau ba tháng nay, chúng tôi đã thua ông!”. Hay anh Nguyễn Văn Thương, người tôi viết trong cuốn sách “Người bị CIA cưa chân sáu lần”; đã hàng chục năm, tôi và anh vẫn đi nói chuyện truyền thống nhiều nơi. Anh Thương mất ở tuổi 80, năm 2018. Anh công nhân cảng Sài Gòn Lâm Sơn Náo, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, tôi viết trong cuốn sách “Người đánh chìm tàu chiến Mỹ US.CARD”, một sự kiện làm rung chuyển cả nước Mỹ. Hay anh Trần Xuân Trí, trong cuốn sách “Thủy đạo vùng ven Sài Gòn”.

Người chuyên viết sách về biệt động và tình báo ở Sài Gòn - ảnh 2
Tác giả Mã Thiện Đồng. Ảnh: VT

PV. Rất nhiều cuốn sách với đề tài về các nhân chứng lịch sử đã được xuất bản, liệu bà đã có ý định kết thúc sứ mệnh của mình hay có ý định chuyển sang một mảng đề tài khác không ?

+ Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kéo dài trên 20 năm, với bao nhiêu gian khổ hy sinh mất mát, bằng tinh thần dũng cảm tuyệt vời đã giành  thắng lợi cuối cùng. Tôi nghĩ cho dù có viết bao nhiêu trang sách cũng không thể hết được. Vì vậy, tôi đã rất cố gắng đi khắp đó đây tìm kiếm nhân chứng lịch sử, từ biệt động Sài Gòn, tình báo, Tàu không số, du kích Củ Chi… đã viết trên 26 cuốn sách, nhưng cũng chỉ phản ảnh được phần nào hiện thực. Vì vậy tôi vẫn sẽ theo đuổi đề tài này.

Cảm ơn bà. Chúc bà tiếp tục có những cuốn sách hay về đề tài này đến với bạn đọc !. 

Tác giả Mã Thiện Đồng sinh năm 1950 tại Hải Dương, nguyên là giáo viên văn THPT tại Long An. Bà bắt đầu nghiệp cầm bút từ năm 2000. Những cuốn sách đã xuất bản được công chúng đón nhận gồm: Biệt động Sài Gòn – chuyện bây giờ mới kể (NXB Tổng hợp TP.HCM), Bóc vỏ trái đất (NXB Văn học), Mạch nguồn (NXB Thanh niên), Ký ức tàu không số (NXB Tổng hợp TP.HCM), Đoàn cảm tử quân trên biển; Hương thôn nữ (thơ)… 

 


 

 

 

 

Xem thêm: lmth.519189-nog-ias-o-oab-hnit-av-gnod-teib-ev-hcas-teiv-neyuhc-iougn/aoh-nav/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người chuyên viết sách về biệt động và tình báo ở Sài Gòn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools