Dù có cảnh sát giao thông điều tiết nhưng đoạn quốc lộ 1 chiều từ phía nam TP Ninh Bình đến Tam Điệp luôn ùn tắc trong tối 30-4, ngày 1-5, chiều đường phía nam chỉ có 2 làn nhưng ôtô chen nhau chạy hàng 3 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Vài ngày qua, nhiều người bức xúc vì bình thường đi 300km hết 5 tiếng nhưng ngày 30-4, 1-5 đi mất 9-12 tiếng do ùn tắc...
"Nên chọn khung giờ phù hợp, không chen lấn, vượt ẩu"
Theo ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay lượng xe tính chung trên các tuyến cao tốc, quốc lộ tăng 15% so với dịp lễ năm trước. Xe đi lại chủ yếu là ôtô cá nhân và xảy ra ùn ứ không chỉ ở đường cao tốc mà cả những đoạn quốc lộ không thu phí.
"Chủ yếu là ôtô con của cá nhân đi trên đường. Người dân nhiều xe chứng tỏ đất nước giàu lên là điều đáng mừng" - ông Huyện nhận định và cho biết trong 2 ngày qua, một số trạm ở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình đã xả trạm.
"Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các trạm thu phí ùn tắc kéo dài phải xả trạm theo quy định. Các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông túc trực ở trạm thu phí yêu cầu xả trạm khi xe tắc, không di chuyển được.
Còn người dân nên lựa chọn thời điểm đi lại phù hợp, không tập trung đi vào một khung giờ. Trên đường cần tuân thủ luật lệ, không vượt ẩu, chen lấn, nhường nhịn nhau đi đúng làn, tuần tự mà đi để không cản trở lưu thông, tránh va chạm, tai nạn… gây ùn tắc.
Đồng thời nên dán thẻ thực hiện thu phí không dừng để qua trạm thu phí nhanh hơn. Kể cả người đi qua trạm thu phí mỗi năm vài lần cũng nên dán thẻ thu phí không dừng để đi lại thuận lợi trong dịp lễ, tết" - ông Huyện khuyến cáo.
Với những ý kiến cho rằng nên có chính sách dịp lễ, tết không nên thu phí để đi lại thuận tiện rồi cho phép nhà đầu tư kéo dài thêm thời gian thu phí để bù hoặc được tính vào doanh thu thu phí, ông Huyện cho biết dịp Tết năm 2019 đã có một số nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ đề xuất như trên nhưng pháp luật chưa quy định nên cơ quan chức năng chưa có cơ sở giải quyết. Việc này cần được nghiên cứu đưa vào Luật giao thông đường bộ, hoặc sửa Luật phí và lệ phí để có cơ sở thực hiện.
"Ùn tắc cũng không thu phí được, nên xả trạm"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng lực lượng chức năng đã triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp lễ. Nhưng lưu lượng xe tăng đột biến đã xảy ra ùn tắc tại một số tuyến đường trong ngày 30-4, 1-5.
"Nếu không có dịch COVID-19 sẽ có nhiều người đi du lịch nước ngoài dịp này. Nhưng giờ có dịch thì đi du lịch trong nước, về quê. Dịch bệnh khiến người dân ngại đi phương tiện công cộng nên chủ yếu đi xe cá nhân làm lượng xe cá nhân đông góp phần ùn tắc. Đây là bất thường chứ không phải theo quy luật bình thường nếu không có dịch COVID-19" - ông Hùng nhận định.
Ông Hùng khuyến cáo người dân nên hạn chế đi lại trong dịch bệnh, có thể chọn nghỉ ngơi tại nhà thay vì đến khu du lịch đông đúc. Nếu đi đến đâu thì cố gắng phòng chống dịch. Thứ hai là nắm tình hình giao thông trước chuyến đi qua phương tiện truyền thông, Google map, điều chỉnh khung giờ đi lại để tránh đi vào đường đông đúc, không tập trung đi vào một thời điểm.
"Mật độ xe cao thì đi lại sẽ chậm. Đó là quy luật. Nhưng để đi lại an toàn, thuận tiện thì cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc giao thông, không lấn vượt ẩu, sai quy tắc dẫn đến ùn tắc, tai nạn, hợp tác với lực lượng chức năng điều khiển giao thông. Mọi người nên cố gắng dán thẻ thu phí không dừng để tiết kiệm thời gian cho mình và xã hội" - ông Hùng khuyến cáo.
"Bộ Giao thông vận tải đã quy định xả trạm thu phí khi ùn tắc. Nghị định 100 cũng quy định mức phạt nếu không xả trạm khi ùn tắc. Bản thân các đơn vị quản lý đường đã biết quy định nên không phải chờ ai ra quyết định xả mà cần giải quyết nhu cầu khẩn cấp khi ùn tắc. Nghị định 100 đã quy định lực lượng chức năng nào xử phạt hành vi không xả trạm nên cứ thế mà thực hiện, không cần chờ chỉ đạo" - ông Hùng cho biết thêm.
Ông cũng nhấn mạnh nếu để ùn tắc xe không qua được thì nhà đầu tư cũng không thu phí được, do đó nên xả trạm.
"Nên có hướng dẫn dân đi đường tránh"
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết ngày 30-4, có 100.000 xe đi trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gấp 3,2 lần ngày thường, chủ yếu là xe con. Ùn ứ xảy ra do mật độ xe tăng quá cao chứ không phải do công tác quản lý. Trong ngày 30-4, đường cao tốc này đã xả trạm thu phí Liêm Tuyền khi ùn tắc.
Còn trạm thu phí Cao Bồ cuối tuyến bị ùn ứ khi đường Cao Bồ - Mai Sơn nối tiếp trạm thu phí chỉ có 2 làn xe, tốc độ tối đa 40km/h.
"Khi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình quá đông thì đường tránh Phủ Lý, đường tránh phía tây Ninh Bình vắng xe. Cơ quan chức năng nên thông báo điều tiết xe thay vì để người dân tập trung vào đường lớn để đi vì nghĩ đường này sẽ không tắc, gây áp lực giao thông cao" - đại diện này đề nghị.
TTO - Ngày 1-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Đình Dương, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, chia sẻ nguyên nhân dẫn đến ùn ứ cục bộ tại các cửa ngõ TP vào ngày 30-4.
Xem thêm: mth.240756110501202-ex-tek-en-oas-mal-ev-cul-gnuc-tek-el-iohc-id/nv.ertiout