Hãng tin Sputnik ngày 1-5 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét "dỡ bỏ gần như toàn bộ" các lệnh trừng phạt Iran mà Tổng thống Donald Trump áp đặt, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng qua liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, Tehran và Washington đã đạt được thỏa thuận về việc dỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Iran.
"Theo các thỏa thuận đạt được giữa hai nước cho đến nay, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Iran, bao gồm dầu mỏ và khí đốt, cùng với ngành công nghiệp xe hơi, tài chính, ngân hàng" - ông Araghchi nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán cho đến khi lập trường của hai bên xích lại gần nhau hơn và yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng. Nếu chúng được đáp ứng, sẽ có một thỏa thuận mới. Nếu không, đương nhiên sẽ không có thỏa thuận nào" - ông Araghchi chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi. Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố riêng trên tài khoản Telegram của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Iran cho hay cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân tại Vienna (Áo) đang diễn ra với tốc độ khá chậm, song buổi đàm phán hôm 1-5 đã giúp làm rõ một số vấn đề.
"Các cuộc thảo luận trở nên rõ ràng hơn, những bất đồng trở nên dễ hiểu và minh bạch hơn. Chúng tôi bắt đầu làm việc trên văn bản về một số vấn đề, và quá trình này đã chậm lại đáng kể” - ông Araghchi viết.
Cuộc đàm phán tại Vienna, nhằm mục đích chấm dứt những bế tắc giữa Tehran và Washington, có sự tham gia của các quốc gia từng ký kết JCPOA, bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) cùng các quan chức Mỹ.
Các nhà đàm phán Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu tại buổi đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 tại Vienna, Áo. Ảnh: SPUTNIK
Phát biểu của ông Araghchi là một dấu hiệu cho thấy bước đột phá lớn trong sự bế tắc giữa Tehran và Washington trước việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân, đồng thời giáng một đòn mạnh vào đồng minh Israel của Mỹ, quốc gia đã tìm cách ngăn cản việc khôi phục thoả thuận này bằng mọi giá.
Động thái trên cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang có sự thay đổi trong quan điểm cứng rắn của mình về Iran và thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), theo Sputnik.
Mỹ và Iran trước đó đều bày tỏ mong muốn quay trở lại thoả thuận, nhưng cả hai không ai chịu nhượng bộ. Washington yêu cầu Tehran tuân thủ trở lại các cam kết và giảm thiểu các hoạt động làm giàu hạt nhân của mình, trong khi Iran kêu gọi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước.