Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An dẫn giải nghi phạm Phú (áo đen) ra khỏi căn biệt thự - Ảnh: H.Q.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, sau nhiều giờ thuyết phục, chiều 30-4 Công an tỉnh Nghệ An đã đưa được ông Cao Trọng Phú - nghi phạm nổ súng làm chết 2 người tại xã Nghi Kim, TP Vinh vào sáng cùng ngày - về cơ quan điều tra.
Tình huống gây tranh cãi
Hình ảnh nghi phạm bị dẫn giải khỏi hiện trường mà tay không bị còng, vẫn cầm điếu thuốc cháy dở khiến nhiều bạn đọc không hiểu vì sao.
Trả lời báo chí chiều 1-5, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An giải thích sở dĩ không còng tay nghi phạm là vì thấy không cần thiết. Việc còng tay nghi phạm chỉ nhằm phòng trường hợp đối tượng chống đối hoặc gây ra những việc ngoài ý muốn.
Trong trường hợp này, nghi phạm sau khi phạm tội đã được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương động viên và gia đình người thân vận động, làm tư tưởng nên đã bình tĩnh trở lại và tự ý thức được, chấp hành việc vận động.
"Nghi phạm được dẫn giải từ nhà ra xe đi giữa vòng vây của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, người thân như thế thì không thể xảy ra việc đó được" - vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết.
Đồng ý với giải thích của lãnh đạo công an, bạn đọc Hiển bình luận: "Người đã biết lỗi rồi thì được hưởng sự khoan hồng như thế".
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng cách giải thích của lãnh đạo công an tỉnh không thuyết phục. Theo bạn đọc, cùng lúc bắn chết 2 người là nghi phạm rất nguy hiểm, lực lượng công an không nên chủ quan.
"Đối tượng bị bao vây 6 tiếng, bắn gần hết đạn, không phải là đầu thú, mà là đầu hàng! Một kẻ bóp cò giết 2 mạng người, ai dám nói sẽ không làm liều lần nữa?" - bạn đọc Châu Lưu An đặt vấn đề.
"Nghe giải thích có gì đó sai sai. Hầu như các bị cáo phạm tội về kinh tế khi dẫn giải ra tòa đều bị còng tay, cảnh sát xốc nách, kể cả những người nguyên là cán bộ cao cấp, phụ nữ. Những người này chắc chắn không có hành động chống đối bằng vũ lực..." - bạn đọc Công Minh so sánh.
Có bạn đọc còn cho rằng việc công an không còng tay nghi phạm trong tình huống này là khinh suất. Thậm chí có bạn đọc hồ nghi "tay này cỡ gì, có quan hệ thế nào mà công an Nghệ An nể hay sợ thế?" và "cách cư xử với tội phạm như vậy khiến người ta nghĩ họ quen thân nhau?".
"Cho phép", chứ không "bắt buộc" sử dụng
Hình ảnh các nghi phạm, bị can, bị cáo bị còng tay khi dẫn giải, áp giải đã quá quen thuộc nên việc một nghi phạm bắn chết 2 người tay không bị còng bước đi giữa vòng vây công an khiến dư luận thắc mắc cũng là điều dễ hiểu.
Còng số 8 là công cụ hỗ trợ được quy định tại điểm d, khoản 11, điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ 1-7-2018) và được dùng nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy.
Để tránh việc lạm dụng công cụ hỗ trợ, pháp luật hiện hành không bắt buộc người thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng công cụ hỗ trợ, mà chỉ cho phép sử dụng trong những tình huống được luật quy định.
Cụ thể, khoản 1 điều 61 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định ngoài các tình huống khẩn cấp đến mức được phép nổ súng quân dụng để đảm bảo an ninh trật tự (điểm a), người thực thi công vụ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong các trường hợp sau:
- Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (điểm b).
- Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác (điểm c).
- Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy (điểm d).
- Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật (điểm đ).
Trên thực tế, việc sử dụng công cụ hỗ trợ, trong đó có còng số 8, không phải lúc nào cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
TTO - Vụ bé gái thiểu năng trí tuệ bị đánh nhập viện, công an viên xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thừa nhận "có còng tay, dùng gậy đánh".