Chống dịch đang căng thẳng nhưng không quên phát triển kinh tế đó là nhiệm vụ đã được Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong tuần qua, báo chí cũng đã thể hiện sự ủng hộ những nỗ lực đó của Chính phủ bằng việc xuất hiện rất nhiều những bài viết về chủ đề phát triển kinh tế, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 6,7% thì tờ Lao động đưa ra dự báo tích cực của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách là tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 6 - 6,3%. Còn Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương xây dựng 3 kịch bản với tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2021 - 2023 là từ 6,3% tới 6,9%.
Để những kịch bản này thành hiện thực, theo các nhà kinh tế Chính phủ phải thực hiện được nhiều giải pháp, như phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, cải cách thể chế kinh tế hay tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những dấu hiệu đáng mừng.
Kinh tế tiếp tục đà hồi phục
Chống dịch đang căng thẳng nhưng không quên phát triển kinh tế đó là nhiệm vụ đã được Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ảnh minh họa: VGP
Tờ Đầu tư cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 tăng cao.
Điều này cho thấy, sau thành công của việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội", niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên.
Trong những giải pháp trên, có một khía cạnh nhiều tờ báo tuần này rất quan tâm đó là cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đó là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, cải thiện, cải biên, cải tiến… vẫn chưa đủ, mà cần kiến tạo lại môi trường kinh doanh. Cần quán triệt tư duy pháp luật được xây dựng là để nâng đỡ, phát triển; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, không lấy quản lý, áp chế làm trọng.
Còn trên tờ Đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần cải cách thực sự đột phá, trong đó chìa khoá vẫn là tư duy cải cách. Đó là điều các chuyên gia muốn gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, lãnh đạo chính quyền địa phương.
Tại sao các tờ báo lại quan tâm đến cải cách thể chế đến vậy đó là do Báo cáo Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh chỉ ra rằng, nhiều lĩnh vực cải cách được đánh giá là giảm điểm so với năm trước, trong đó có thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng.
"Tăng tốc lại" cải thiện môi trường kinh doanh
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. Tuy nhiên, cũng nhiều chuyên gia bày tỏ tin tưởng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy sự quan tâm rất lớn tới cải thiện môi trường kinh doanh ngay khi nhận nhiệm vụ.
Báo Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, một trong những văn bản điều hành đầu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Tờ báo bình luận, động thái này cho thấy, quan tâm của Thủ tướng là khơi thông những rào cản kinh doanh đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. Ảnh minh họa - Thanh Vũ.
Bên cạnh câu chuyện về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm đó là năng suất lao động. Đây là yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm, theo Tổ chức Năng suất châu Á.
Chính vì vậy, tờ Đại biểu nhân dân cho rằng, cần có một cuộc cách mạng về năng suất. Cụ thể, cần có một chương trình, hay một phong trào năng suất quốc gia để thay đổi tư duy và cách nhìn của giới lãnh đạo, doanh nghiệp và từng người dân về năng suất hiệu quả. Thậm chí, cần có một cơ quan tham mưu cho lãnh đạo cấp cao về vấn đề năng suất lao động, tạo hệ sinh thái về năng suất cho doanh nghiệp hướng tới.
Cùng chung nhận định, tờ Diễn đàn doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam trên bình diện toàn bộ nền kinh tế cần có chương trình hay phong trào năng suất quốc gia lớn. Chính phủ cần phát động được phong trào này như Singapore đã làm cách đây hơn 60 năm hay Malaysia và Thái Lan đều đã có các phong trào như vậy trong quá trình tăng trưởng nhanh của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.65523620120501202-hnaod-hnik-gnourt-iom-ial-oat-neik-nac/et-hnik/nv.vtv