Xe cộ nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân sáng 2-5 - Ảnh: B.D.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong sáng 2-5 cho thấy từng đoàn ôtô, đặc biệt là ôtô con nối đuôi nhau trèo lên đỉnh đèo Hải Vân để qua bên kia.
Dồn dập bò đèo, né thu phí
Tại chân đèo hướng Đà Nẵng lúc 9h sáng 2-5, dễ dàng nhận thấy cảnh dồn cục của từng đoàn xe con biển số Hà Nội, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế nối đuôi nhau lên đèo. Lượng xe nhiều, nối đuôi nhau tại các khúc cua "tay áo" và các vị trí làn đường có vạch kẻ liền cấm vượt, xe cộ nhích từng bước. Lượng xe đặc biệt đông khi rơi vào cao điểm ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, người dân vừa từ các trung tâm du lịch trở về để làm việc lại.
Đi chiếc xe 4 chỗ từ TP Hà Tĩnh vào Đà Nẵng để du lịch, sáng 2-5 anh Đặng Xuân Dương cùng vợ và hai con qua đèo Hải Vân để trở về. Anh Đông dừng xe giữa đèo Hải Vân để uống nước, chụp hình và cho biết khi biết mức phí hầm Hải Vân tăng lên 110.000 đồng/lượt đối với dòng xe 4 chỗ thì anh quyết định không đi hầm mà bò lên đèo để kết hợp du lịch, tiết giảm tiền vé.
"Tôi đi từ ngoài Hà Tĩnh vào Đà Nẵng tính tiền phí qua trạm BOT đã ngang ngửa tiền xăng, nay hầm đường bộ Hải Vân tăng lên 110.000 đồng/lượt nữa thì thực sự chịu không nổi. Mua được chiếc xe ô tô đã khổ, nuôi xe chịu đủ thứ phí, nay giá vé qua hầm tăng nữa thì thực sự tạo gánh nặng" - anh Dương nói.
Xe biển số Đà Nẵng cùng các tỉnh thành lân cận nối đuôi nhau qua đèo né thu phí
Càng về trưa đèo Hải Vân nối hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng càng tấp nập. Lượng khách du lịch check out tại các khu lưu trú ở phía Đà Nẵng và Huế để trở về sau kỳ nghỉ đồng loạt nên đường đèo kín xe. Nhiều người bán hàng nước dọc đèo tỏ ra bối rối không biết vì sao kỳ nghỉ năm nay xe lên đèo đặc biệt đông.
Ông Phạm Văn Đông - chủ một quán cà phê giữa chân đèo Hải Vân nói rằng từ sáng 1-5 khi thấy xe cộ lên đèo nhiều, đặc biệt là xe tải và xe con thì ông vào mạng đọc tin mới vỡ lẽ là giá vé qua hầm đã bắt đầu tăng.
"Lượng xe phải nói đông gấp nhiều lần thường ngày, đa phần là xe của người dân đi du lịch. Phần vì phí tăng, phần vì muốn đi đường đèo để ngắm cảnh nên từ đêm qua tới nay xe ùn ùn trên đèo" - ông Đông nói.
Tăng sốc và "rơi vào thời điểm nhạy cảm"
Đứng ở các điểm check in trên đèo một lúc và thực hiện 10 cuộc phỏng vấn đối với người lái xe ô tô, chúng tôi nhận được 7 ý kiến thừa nhận rằng lí do họ chọn đi đèo là bởi phí đường bộ qua hầm tăng vọt.
Đặc biệt, rất đông xe mang biển số Đà Nẵng, Huế cũng chọn cách đi đèo dù quãng đường giữa hai địa phương này không quá dài.
Xe quá đông nên CSGT phải tuần tra, yêu cầu người dân không đứng giữa đường
Anh Đinh Văn Hồng - người dân tại TP Huế nói rằng từ nhà anh đi vào Đà Nẵng cả đi lẫn về hết chừng 250km. Chiếc xe ô tô 4 chỗ của anh nếu tính tiền xăng thì hết khoảng 300.000 đồng nhưng từ Huế vào Đà Nẵng dày đặc trạm thu phí, trong đó nặng gánh nhất là qua hầm Hải Vân.
"Cả đi lẫn về riêng qua hầm đã tốn 220.000 đồng, trong khi tiền xăng chỉ 300.000 đồng thì ai mà chịu nổi được? Tôi chấp nhận đi đèo, dù biết là chi phí hư hại xe khi đi đèo tính ra sẽ tốn hơn" - anh Hồng nói.
Xe CSGT tuần tra trên đèo Hải Vân sáng 2-5
Anh Cường - một người dân phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng nói sáng 1-5 anh cùng gia đình ra Lăng Cô (Huế) - nơi chỉ cách chỗ ở chưa tới 30km nhưng cũng phải tốn 220.000 đồng tiền vé qua hầm Hải Vân.
"Cả nhà thèm tô cháo hàu ở Huế, đánh xe ra ăn hết chưa tới 100.000 đồng mà tiền vé qua hầm đã 220.000 đồng, quá sức chịu đựng" - anh Cường nói.
Nói với Tuổi Trẻ Online sáng 1-5, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá Đà Nẵng Tô Văn Hiệp - cho rằng dù biết mức tăng đang được áp dụng ở hầm Hải Vân là theo lộ trình và được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận nhưng thật sự rất khó để "nuốt trôi", đặc biệt là với giới kinh doanh xe khách đường dài.
Xe nối đuôi nhau lên đỉnh đèo Hải Vân
"Mức phí hầm đối với vận tải hàng hoá tăng lên 20%, nặng gánh nhất là anh em hành nghề vận chuyển hành khách. Chúng tôi cũng đã nhận được giải trình, thông báo từ đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân nhưng thực sự người đi đường không có lựa chọn.
Trước đây họ thu phí qua hầm đầu tiên với mức giá khác, nhưng lúc đó thì hầm mở hai làn xe hai chiều. Nay thì làm thêm một hầm nữa nhưng mỗi hầm lại điều tiết một làn xe, mức phí lại tăng vọt.
Anh em vận tải kêu trời bởi chi phí đầu vào đội lên quá cao, chắc chắn giá vận chuyển cũng sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ là đối tượng đầu cuối gánh chịu mọi khoản phí. Việc tăng quá cao, ở thời điểm mọi thứ đều tăng, dịch bệnh như thế này là thiếu hợp lý" - ông Hiệp nói.
Xe con, xe tải nối đuôi qua một khúc cua tay áo trên đỉnh đèo Hải Vân
Xe khách chịu mức phí qua hầm Hải Vân nặng gánh nhất
Giá vé của các loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng… tăng từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn được điều chỉnh từ 140.000 lên 200.000 đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet tăng từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet được điều chỉnh từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt.
Đèo Hải Vân lúc 9h sáng 2-5
Nhiều xe con quay đầu lên đèo khi biết hầm Hải Vân tăng phí
Có đến 5 chiếc xe trên một khúc đường đèo ngắn đoạn hướng Thừa Thiên - Huế
TTO - Từ 0h ngày 1-5, trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng phí dịch vụ đối với các xe qua hầm Hải Vân (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn kiến nghị dời thời gian tăng phí từ ngày 1-6.
Xem thêm: mth.45760822120501202-mart-en-nav-iah-oed-touv-nu-nu-oto-cos-gnat-mah-auq-ihp-uht/nv.ertiout