Lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) sáng 2-5 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi một số tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng có phản ánh chưa thực hiện nghiêm quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay.
Xét nghiệm hơn 2.400 mẫu, 16 ca dương tính
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngay sau khi có ca nhiễm trong cộng đồng bộ này đã phối hợp điều tra, tổ chức truy vết tại tất cả các địa phương liên quan, thực hiện xét nghiệm 2.452 mẫu, phát hiện 16 ca dương tính đã công bố.
Nguồn lây của chùm ca bệnh tại tỉnh Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên được xác định rõ là từ bệnh nhân 2899. Bước đầu nghiên cứu, phân tích bệnh nhân 2899 cho thấy thời gian ủ bệnh của chủng virus này dài hơn 14 ngày, nhưng hiện đang giải trình tự gen để xác định chủng virus gây bệnh có khả năng tiếp xúc với người dương tính trong suốt quá trình di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nam mà chưa rõ...
Trước tình hình diễn biến phức tạp, có tình huống xấu hơn, khó dự báo, chưa lường hết, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong việc phòng chống dịch. Ông chỉ đạo rà soát các quy định hiện có, bám sát thực tiễn, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam), nơi khởi phát chùm ca bệnh 2899 - Ảnh: HOA HIÊN
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30-4, trong đó nhấn mạnh việc tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch. Phải sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vắcxin phòng COVID-19 nhanh hơn nữa.
Theo đó, cần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó là cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.
"Ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước" - Thủ tướng đề nghị các địa phương Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định, hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Đáng lưu ý, qua phản ánh của người dân, báo chí, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu cần chấn chỉnh ngay, thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. "Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân".
Đồng thời, các địa phương được yêu cầu tăng cường năng lực xét nghiệm bằng mọi biện pháp, khả năng và ưu tiên vấn đề này.
TP.HCM: lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên cả ngàn người
Theo số liệu cập nhật đến tối 2-5 của Bộ Y tế, tính từ 29-4 đã ghi nhận tổng cộng 23 ca bệnh lây trong cộng đồng (Hà Nam 12, Vĩnh Phúc 5, Hà Nội 3, Hưng Yên 2, TP.HCM 1).
Với bệnh nhân 2910 ở Q.Bình Tân, TP.HCM (lây từ bệnh nhân 2899), đến thời điểm này Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đơn vị đã khoanh vùng truy vết được 36 trường hợp tiếp xúc gần F1, 74 trường hợp tiếp xúc gần F2, tất cả đều đã có kết quả âm tính lần 1. Ngoài ra, các trường hợp đi cùng ca "siêu lây nhiễm" 2899 trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Đà Nẵng ngày 7-4, HCDC xác định thành phố có 19 trường hợp, tất cả đều được giám sát và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Trước bối cảnh ca nhiễm có nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, từ 30-4 ngành y tế TP.HCM ra quân xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, khu chế xuất...
Người dân sinh sống quanh khu vực đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM, được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 2-5, trạm y tế phường Bến Nghé (Q.1) đã lấy 100 mẫu ngẫu nhiên tại Thảo cầm viên Sài Gòn để xét nghiệm COVID-19. Trước đó, đơn vị này cũng đã tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên tại đường Nguyễn Huệ. Tính đến trưa 2-5, đã có 1.537 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng đều cho kết quả âm tính.
HCDC đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với thành viên tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại thành phố, với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly về cư trú tại thành phố. Ngoài ra, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Với người dân sau nghỉ lễ về TP.HCM, HCDC khuyến cáo mọi người dân nên ghi lại lịch sử di chuyển, tiền sử tiếp xúc đặc biệt, trung thực khai báo y tế, chủ động thông báo với cơ quan y tế khi có các triệu chứng ho, sốt, đau họng...
Hà Nội siết khai báo y tế sau dịch
Ngày 2-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ra công điện khẩn về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường quản lý người trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Cụ thể, tất cả người dân khi quay lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin/khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chung cư Viễn Đông Star (số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi bệnh nhân B.N.H. (sinh năm 1993, quê quán huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sinh sống, đã được phong tỏa - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác... trực thuộc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công an cơ sở chủ trì, phối hợp tổ COVID-19 cộng đồng (đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng) lập danh sách người dân quay lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 để giám sát, quản lý và tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Sẽ xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.
Từ ca bệnh ở Hà Nam, đến nay Hà Nội đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính từ ổ dịch này.
Có vấn đề gì ở khu cách ly?
Có ít nhất 2 chùm ca bệnh COVID-19 xuất hiện từ 27-4 đến nay và đều liên quan đến khu cách ly, người đã hoàn thành cách ly.
Liên tiếp lây nhiễm trong khu cách ly, cần rà lại toàn bộ?
Lây lan tại khu cách ly
Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chiều 2-5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành thông báo nhanh về việc chuyên gia người Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi làm thủ tục nhập cảnh từ Việt Nam vào Trung Quốc.
Rà soát lại cho thấy người này là nam giới 47 tuổi, đã nhập cảnh Việt Nam ngày 9-4 và cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đến 23-4.
Khách sạn Như Nguyệt 2 là địa điểm cách ly tập trung được tỉnh Yên Bái cho phép cách ly tập trung các chuyên gia. Trong thời gian này có thêm 1 đoàn chuyên gia từ Ấn Độ nhập cảnh ngày 18-4. Từ 18 đến 23-4 có 4 chuyên gia Ấn Độ được xác định dương tính với COVID-19, đến 27-4 có thêm nhân viên lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2 dương tính và chuyên gia Trung Quốc kể trên (rời Việt Nam hôm 28-4 và cũng có kết quả dương tính).
Kết quả giải trình tự gen virus cho thấy nhân viên lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ, nguồn lây từ đoàn chuyên gia, lây nhiễm chéo tại khu cách ly. Với chuyên gia người Trung Quốc cũng đã có những dấu hiệu cho thấy cùng nguồn lây này.
Nhưng điều nguy hiểm hơn là sau khi đoàn chuyên gia Trung Quốc "hoàn thành cách ly", trong khi lẽ ra đoàn phải cách ly thêm 14 ngày tại nơi ở theo quy định của Việt Nam thì đoàn đã đi Lai Châu, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn... Các điểm đến có cả khách sạn, nhà hàng, công ty... và ít nhất đã có 5 nhân viên quán bar Sunny ở Vĩnh Phúc có kết quả dương tính COVID-19 sau khi tiếp xúc với đoàn chuyên gia này.
Cùng thời gian này, hôm 29-4 anh N.V.Đ., ở Hà Nam (bệnh nhân 2899), được xác định dương tính với COVID-19, cũng đã từng hoàn thành cách ly tại Đà Nẵng hôm 21-4. Chi tiết hơn, thời gian cách ly anh Đ. có 3 xét nghiệm COVID-19 âm tính, tối 21-4 anh về quê và tiếp xúc nhiều người trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Đến nay đã có 12 người ở Hà Nam (bao gồm bệnh nhân 2899 N.V.Đ.), 2 người ở Hưng Yên, 3 người ở Hà Nội, 1 người ở TP.HCM lây nhiễm COVID-19 từ nguồn của bệnh nhân N.V.Đ..
Tuy nguồn lây cho bệnh nhân Đ. ở đâu còn đang trong quá trình giải mã, nhưng việc cách ly, "hoàn thành cách ly" đã cho thấy có những lỗ hổng và không an toàn. Chưa kể lỗ hổng giám sát tự cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung, giám sát cách ly tại các điểm cách ly tự nguyện...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đứng trước cửa khu cách ly tại Yên Bái, nơi đầu tiên ghi nhận bệnh nhân nhiễm chủng virus biến thể Ấn Độ, trong chuyến kiểm tra tại Yên Bái ngày 28-4 - Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Nên rà soát lại toàn bộ
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-5, một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ tới đây nên rà soát lại toàn bộ quy trình ở các khu cách ly và nên có phân nhóm cách ly theo nguy cơ, không để thời gian cách ly là cứng với tất cả các nhóm - như người đã tiêm đủ vắcxin, người đến từ vùng dịch nguy cơ cao...
Hiện tại, quy trình cách ly của Việt Nam là khá cứng. Có đoàn người Việt nhập cảnh từ Mỹ về Hòa Bình đã tiêm đủ 2 mũi vắcxin và đã phải cách ly tập trung 21 ngày, sau khi phát sinh bệnh nhân cùng nhập cảnh và cách ly cùng tầng.
Tuy nhiên cùng thời điểm này, tại tỉnh Yên Bái, Đà Nẵng... lại cho phép cách ly tự nguyện tại khách sạn, thời gian cách ly 14 ngày (kể cả chưa tiêm chủng vắcxin) và đã có 2 chùm ca bệnh lọt từ khu cách ly như kể trên.
Vì vậy, trong đợt rà soát này, rất cần Bộ Y tế có những quy định phù hợp và linh hoạt theo nhóm nguy cơ, đồng thời sớm tìm và bịt được những lỗ hổng đang tồn tại trong khu cách ly.
Theo vị chuyên gia này, 24 bệnh nhân lây trong cộng đồng tính từ 29-4 đến 2-5 đã kéo theo hàng loạt các hệ lụy: Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam và nhiều tỉnh thành khác đóng cửa quán bar, karaoke, học sinh Hà Nam phải học online đến 9-5 trong khi thời điểm hiện nay các cháu đang ôn thi, nhiều tour du lịch bị hủy, hoãn, thiệt hại cho doanh nghiệp... Nếu dịch kéo dài, thiệt hại còn cao hơn gấp nhiều lần khi mùa hè, mùa du lịch đến.
LAN ANH
Đà Nẵng: cách ly 19 F1 của người Trung Quốc
Chiều 2-5, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết 19/19 trường hợp được xác định có tiếp xúc với chuyên gia Trung Quốc (báo mắc COVID-19 khi về nước) đều âm tính với SARS-CoV-2 trong lần xét nghiệm đầu tiên.
Theo bác sĩ Hồng, qua khai thác thông tin, 5 chuyên gia Trung Quốc cách ly tại Yên Bái từ ngày 9 đến 23-4; sau khi hoàn thành cách ly, 2 trong nhóm 5 chuyên gia này có tới Đà Nẵng chơi từ ngày 27 đến 29-4. Sau khi trở về Trung Quốc, sáng 1-5 hai trường hợp này báo tin với người đã đi ăn uống cùng tại Đà Nẵng rằng kết quả xét nghiệm tại Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi có thông tin, ngành y tế Đà Nẵng đã báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị hỗ trợ, xác minh thông tin chính xác, đồng thời truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 19 người có tiếp xúc gần, kết quả 19/19 người đều âm tính.
"Tạm thời 19 trường hợp này đang được cách ly y tế tập trung" - bác sĩ Hồng nói. Được biết trong thời gian ở Đà Nẵng, nhóm chuyên gia này có tới một số điạ điểm như khách sạn, quán bar và một nhà hàng ăn uống khá nổi tiếng ở Đà Nẵng.
TRƯỜNG TRUNG
Trung Quốc cách ly nghiêm ngặt
Theo trang china-briefing.com, từ ngày 1-4 người nước ngoài (có lý do chính đáng) nhập cảnh vào Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm có bị nhiễm COVID-19 hay không và phải tiêm vắcxin COVID-19. Do quan ngại các biến thể mới của virus, người đã tiêm vắcxin COVID-19 vẫn buộc phải cách ly tập trung.
Tất cả các chuyến bay quốc tế không hạ cánh ở Bắc Kinh mà ở các thành phố khác. Người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đến 21 ngày tại thành phố nhập cảnh đầu tiên. Du khách quốc tế không được đến Bắc Kinh, nếu chưa có ít nhất 21 ngày sống/cách ly ở một địa phương khác. Trong trường hợp muốn đến Bắc Kinh, hành khách quốc tế trong nước sẽ phải cách ly 7 ngày ngay khi đến thủ đô ở những khách sạn đủ tiêu chuẩn được chỉ định và có trả phí. Chỉ người trên 70 hoặc dưới 14 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người có bệnh nền hoặc hoàn cảnh đặc biệt có thể xin cách ly tại nhà.
HỒNG VÂN
TTO - Lãnh đạo quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết nếu kết quả xét nghiệm toàn bộ cư dân tầng 10 - tầng có nhân viên quán bar mắc COVID-19 cư ngụ - là âm tính thì sẽ chỉ áp dụng cách ly với tầng 10, những tầng khác sẽ được gỡ bỏ phong tỏa.
Xem thêm: mth.12295357030501202-hcid-gnohc-cat-gnoc-yagn-hnihc-nahc/nv.ertiout