Cô giáo Lê Thị Thủy hướng dẫn học sinh học tiếng Anh - Ảnh: LÂM THIÊN
Cù Lao Xanh là tên gọi thân thương của xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cách đất liền 24km. Cuộc sống quá khó khăn, người dân ở đây quanh năm bám biển mưu sinh, phó mặc tương lai con em. Để biết đọc biết viết, những đứa trẻ nơi này chỉ biết trông chờ các thầy cô từ đất liền ra.
Thầy cô diện 2-6
Thầy giáo Huỳnh Công Thành (hiệu trưởng Trường TH&THCS Nhơn Châu), công tác tại đảo đã được 20 năm, cho biết: "Các thầy cô ở đây cứ sáng thứ hai có mặt tại đảo giảng dạy tới chiều thứ sáu là lên thuyền về với gia đình. Quanh năm suốt tháng, mọi người cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến hè".
Nói về hành trình xuyên suốt 20 năm của mình, thầy Thành cười tươi và bảo: "Các thầy cô từ đất liền ra đảo dạy học, dù là người "cứng rắn" tới đâu thì ra tới đây vẫn ói xanh mặt. Lúc đầu tôi cũng vậy, đi trên thuyền, cảm giác cứ bồng bềnh, liêu xiêu khó tả. Đặt chân lên bờ là nằm bẹp dúm, trời đất quay cuồng. Có khi nằm một chỗ 2 - 3 ngày sau mới đỡ".
Cô Lê Thị Thủy (dạy môn tiếng Anh, nhà ở huyện Vĩnh Thạnh, có con nhỏ 7 tháng tuổi) cho hay: "Tôi mới về đây công tác được nửa năm, lần đầu đặt chân lên đảo, đầu óc tôi như quay cuồng: trời đất cứ xoay vòng vòng. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ bị say sóng khủng khiếp như vậy. Một phần thì nhớ con, một phần thì say sóng muốn lộn nhào. Cảm giác rất khó tả. Khóc không được mà cười cũng không xong".
Ngót nghét đã 31 năm trôi qua, cô giáo Đoàn Thị Thương (dạy tiểu học, Trường TH&THCS Nhơn Châu) từ một cô thiếu nữ giờ đã thành người có thâm niên giảng dạy lâu nhất trên đảo. Nhớ lại những kỷ niệm dạy học trên đảo trong suốt hơn 30 năm, cô Thương bồi hồi chia sẻ: "Hồi những năm 1990, tôi theo đò ra đảo, giữa đường thì máy hư, con thuyền cứ thế trôi lênh đênh giữa biển. Nhìn bốn bên toàn là nước, tim tôi đập loạn xạ vì không biết phải làm sao.
Mãi tới trưa mới có ghe đi ngang cứu. Tôi sợ nhất là mùa mưa bão, ngồi trên thuyền cảm giác như đang ngồi trong lồng xổ số. Mỗi lần sóng đánh vào là cả người, cả đồ đạc lại văng tứ tung. Ai nấy cũng ngã nhào, ói tới tận mật xanh mật vàng. Nói chung là khổ lắm".
Có những ngày sóng to gió lớn, thuyền chở khách không chạy, các thầy cô giáo phải dậy từ rất sớm rồi đứng canh chờ những chiếc thuyền đánh cá xuất bến để "quá giang".
Thầy giáo Huỳnh Công Thành trên chuyến tàu từ Quy Nhơn ra đảo Cù Lao Xanh - Ảnh: LÂM THIÊN
Phụ huynh, học sinh che chở
So với nhiều bạn bè đồng nghiệp, việc dạy học trên đảo là một thách thức rất lớn đối với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, chính từ những khó khăn ấy, trong tâm trí của các thầy cô lại hiện lên tinh thần sẵn sàng hi sinh vì học trò yêu dấu.
Cứ mùa mưa đến, những ngày dông tố, các thầy cô lại ôm sách vở, quần áo qua nhà học sinh trú bão. Trong tình huống nguy cấp, những học sinh, phụ huynh lại dang tay che chở cho thầy cô. Chưa bao giờ không khí yêu thương, tình cảm ấm áp như gia đình lại hiện lên rõ nét như vậy.
Theo ông Đào Đức Tuấn - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định, có thể nói việc dạy học tại xã đảo Nhơn Châu là công việc rất vất vả đối với các thầy cô từ đất liền ra đảo. Điều đáng mừng là hàng chục năm qua, các thầy cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn để "gieo chữ" cho nhiều thế hệ học sinh của xã đảo.
"Tôi rất khâm phục tinh thần hi sinh và lòng yêu nghề của những thầy cô giáo đã và đang giảng dạy tại Trường TH&THCS Nhơn Châu. Những năm trước đây khi trên đảo chưa có điện và phương tiện đi lại còn hạn chế, các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Chúng tôi rất chia sẻ với những hi sinh, đóng góp của các thầy cô thầm lặng gieo chữ nơi này.
Vừa qua, trường đã được đầu tư, xây dựng một nhà công vụ gồm 4 phòng nghỉ để phục vụ cho việc ăn ở của các giáo viên từ đất liền ra đảo được tốt hơn. Hiện nay, các giáo viên từ đất liền ra đảo Nhơn Châu dạy học được nhận phụ cấp thêm tiền lương theo khu vực khó khăn và phụ cấp ưu đãi nghề" - ông Tuấn nói.
Muốn học cấp III phải vào đất liền
Trường TH&THCS Nhơn Châu nằm ở thôn Tây, xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhơn Châu là xã đảo nằm trong khu vực biển vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách đất liền hơn 24km. Hiện nay, toàn xã có 547 hộ dân, với 2.278 nhân khẩu. Theo thầy Huỳnh Công Thành, đây là trường tiểu học và trung học cơ sở duy nhất trên đảo, học sinh muốn học cấp III phải di chuyển vào TP Quy Nhơn để học tiếp.
Thấy thương các thầy cô
Nói về các thầy cô trên đảo Cù Lao Xanh, anh Đặng Văn Dễ (29 tuổi, cựu học sinh Trường TH&THCS Nhơn Châu), hiện là bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn, cho hay năm 1998, anh đã được các thầy cô từ đất liền ra đảo dạy chữ. "Tôi nhớ lúc đó các thầy cô tự mình cầm tay nắn nót viết từng chữ, chậm rãi phát âm từng từ cho các bạn học yếu. Mà cứ sơ sẩy ra một xíu là chúng tôi lại chạy nhảy lung tung khiến các thầy các cô mệt đứt hơi. Nhiều người cả buổi vẫn không viết hay đọc được một từ. Cực lắm!
Ngày tôi đậu đại học, cô Nguyễn Minh Thư là người đầu tiên nhắn tin chúc mừng tôi. Tôi không ngờ mình rời đảo 3 năm để vào Quy Nhơn học cấp III nhưng cô Thư vẫn nhớ tới và quan tâm học trò như vậy. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thương các thầy cô vô cùng và tôi rất tự hào khi có những người thầy, người cô tuyệt vời như vậy" - anh Dễ tâm sự.
TTO - Ngày 18-8, BQL dự án điện nông thôn miền Trung đã phối hợp với điện lực 2 tỉnh: Phú Yên - Bình Định tổ chức đóng điện; nghiệm thu dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra xã đảo Nhơn Châu, nơi có địa danh Cù Lao Xanh nổi tiếng.
Xem thêm: mth.76920139030501202-hnax-oal-uc-oad-ar-uhc-gnam/nv.ertiout