vĐồng tin tức tài chính 365

Mỗi ngày có gần 430 doanh nghiệp đóng cửa

2021-05-03 11:59

Mỗi ngày có gần 430 doanh nghiệp đóng cửa

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Trong bốn tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi ngày cả nước có đến gần 430 doanh nghiệp phải rời thị trường. Con số này vượt xa con số trung bình mỗi ngày doanh nghiệp mới thành lập trong cùng thời gian trên chỉ là 368 doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 còn khiến các doanh nghiệp có quy mô lớn vốn hơn 100 tỉ đồng rời thị trường tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng doanh nghiệp đóng cửa rời thị trường tiếp tục tăng cao trong 4 tháng vừa. Ảnh minh họa: Thanh Tao.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Cụ thể tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục có sự gia tăng, với 51.496 doanh nghiệp, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 4 tháng vừa qua, bình quân mỗi ngày có đến khoảng 429 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Do đó, dù trong cùng thời gian trên, số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục (đạt 44.166 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng vẫn thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình, trong 4 tháng vừa qua, mỗi ngày cả nước có khoảng 368 doanh nghiệp thành lập.

Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Tháng 4 cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoàn thành việc quyết toán và nộp báo cáo tài chính nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước đó đã hoàn tất thủ tục để chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ dưới 10 tỉ đồng với gần 25.920 doanh nghiệp (chiếm 91,4%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ở quy mô từ 10 - 20 tỉ đồng có 1.366 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 39,2%); từ 20 - 50 tỉ đồng có 664 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 29,2%); từ 50 - 100 tỉ đồng có 230 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 13,9%) và quy mô trên 100 tỉ đồng có 170 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 49,1%).

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 công bố ngày 10-4-2021 do VCCI thực hiện, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp với hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020.

Do vậy, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục có sự gia tăng như nói trên. Trong đó, có 28.349 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 55,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh này tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 128%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 56,1%); giáo dục và đào tạo (tăng 49,6%); khai khoáng (tăng 40,3%); kinh doanh bất động sản (tăng 35,2%).

Hay lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 34,5%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 32,6%); và thông tin và truyền thông (627 doanh nghiệp, tăng 30,1%).

Một điểm lưu ý nữa, theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, không chỉ doanh nghiệp có quy mô nhỏ rời thị trường tăng mà đại dịch này còn càn quét cả những doanh nghiệp quy mô vốn lớn. Cụ thể trong 4 tháng qua, doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng có 170 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng cao nhất so với các doanh nghiệp ở quy mô khác.

Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 16.403 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 14.940 doanh nghiệp (chiếm 52,7%); 7.284 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 25,7%) và 6.125 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,6%).

Ngoài ra, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 4 tháng đầu năm nay là 6.744 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tất cả 17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại đều tăng.

Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất phân phối, điện, nước, gas; khai khoáng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 240,5%; 100% và 58,6%.

Chưa dứt, những thông tin dịch bệnh tái diễn ra trước và trong kỳ nghỉ lễ 30-4, và ngày 1-5 cũng như mùa hè sắp tới khiến giới doanh nghiệp trong những ngành nghề như dịch vụ du lịch, karaoke, bar, vũ trường... tiếp tục đứng ngồi không yên. Trên thực tế, một số địa phương đã quay trở lại biện pháp tạp dừng kinh doanh với những loại hình dịch vụ này khi thông tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Các doanh nghiệp cho biết họ luôn ở trong tư thế phập phồng lo sợ không biết khi nào có thể ổn định hoạt động trở lại dù đã nỗ lực tìm hướng đi trong tình hình khó khăn chung hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, "bạo bệnh" do đại dịch Covid-19 gây ra trong ba đợt đầu chưa kịp hồi phục rồi lại bị dội tiếp căn bệnh của đợt dịch thứ 4 trong những ngày nghỉ lễ nữa khiến không ít họ không còn đủ sức cầm cự.

Xem thêm: lmth.auc-gnod-peihgn-hnaod-034-nag-oc-yagn-iom/859513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mỗi ngày có gần 430 doanh nghiệp đóng cửa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools