Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, để biến “nguy” dịch COVID thành “cơ” cho gạo Việt vươn lên lập lại thị trường lúa gạo thế giới mới, cần thực hiện hai việc tối quan trọng.
Vượt trội, nhưng...
“Những lần công tác nước ngoài, tôi được nhiều nhà khoa học, nhà nhập khẩu gạo thế giới bày tỏ ngưỡng mộ về gạo Việt. Không chỉ lập bước tiến thần kỳ từ quốc gia thiếu đói đã nhanh chóng vươn lên cường quốc về xuất, mà còn phát triển vượt bậc về chất lượng”- GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Đó là việc nghiên cứu ra giống lúa ngắn ngày cho gạo dẻo có mùi thơm. Tuy nhiên, theo GS Xuân, trái với sự ngưỡng mộ thành tích, thực tế nhiều nhà nhập khẩu chưa mạnh dạn ký hợp đồng, thậm chí là ngại mua gạo trực tiếp từ Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến gạo Việt chưa có mặt nhiều tại các thị trường cao cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng gạo Việt Nam thiếu đồng đều.
“Anh Trần Đức, nhà cung ứng gạo ở Mỹ, có lần than phiền với tôi về gạo Việt không thiếu đồng bộ giữa các lô hàng, mà ngay cùng một bao gạo cũng có quá nhiều chủng loại”- GS Xuân chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu cũng than phiền doanh nghiệp Việt Nam thường rất “chậm trễ” trong việc chia sẻ trách nhiệm khi lô hàng có sự cố. “Vì thế, thường họ mua qua trung gian để giảm thiểu rủi ro, và tất nhiên là giá ở mức rất thấp”- GS Xuân tiếc nuối. Đó là lý do vì sao cây lúa Việt nổi tiếng, nhưng gạo Việt chưa có vị thế cao như Thái Lan và Ấn Độ.
Biến “nguy” thành “cơ”
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thị phần gạo thế giới xuất hiện cục diện mới. Với tâm lý phòng xa, nhiều quốc gia đẩy mạnh dự trữ lương thực, trong đó có gạo. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, năm 2021 và có thể lâu hơn, Thái Lan, Ấn Độ khó duy trì, khôi phục trồng lúa như trước.
“Đây là cơ hội để gạo Việt thiết lập lại thị phần và giá bán mới nếu giải quyết được 2 việc tối quan trọng: Củng cố uy tín sản phẩm và nâng chất lượng kinh doanh”- GS Xuân nhấn mạnh. Trong đó, quan trọng nhất là làm cho thế giới tin tưởng hơn về gạo Việt.
Để làm được điều này, bên cạnh việc tuyên truyền cho nhà nông hiểu và làm theo các quy tắc khoa học như bón phân cân đối, sử dụng thuốc 4 đúng..., các nhà quản lý cần nhanh chóng siết chặt quản lý nông dược, từng bước đưa nông dân chuyển từ sử dụng phân bón, thuốc có nguồn gốc hóa học, sang chế phẩm sinh học.
“Việc bón cân đối lượng đạm trong trồng lúa không chỉ giảm giá thành sản xuất cho nhà nông mà nối nhịp cầu làm sáng thương hiệu Việt Nam ra thế giới như quốc gia có trách nhiệm chia sẻ về giảm khí thải”- GS Xuân nhấn mạnh. Với tập quán lạm dụng bón phân đạm như hiện nay, cây lúa chỉ hấp thu khoảng 40-50%, số còn lại không chỉ lấy đi lợi nhuận nhà nông, mà còn lấy đi sự trong lành của môi trường. Bởi đạm này bay hơi sẽ phát ra khí thải mạnh gấp 310 lần so với CO2, đơn vị tính về tác động Biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành cơ chế, tạo sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp năng động tham gia xuất khẩu gạo. Sự năng động của các doanh nghiệp sẽ tạo cầu nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, để từ đó chủ động đặt hàng nông dân trồng lúa đúng nhu cầu từng thị trường từ thời gian cho đến chủng loại, phẩm chất gạo...
Xem thêm: odl.839409-91-divoc-hcid-ioht-teiv-oag-ohc-oc-hnaht-yugn-neib-ed-ig-mal/et-hnik/nv.gnodoal