Giới đầu tư cá nhân Mỹ 'tất tay' vào thị trường chứng khoán
Chánh Tài
(KTSG Online) - Giới đầu tư cá nhân ở Mỹ đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn hơn bao giờ hết khi các chỉ số tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Mỹ leo lên các đỉnh cao mới. Họ cũng gia tăng đặt cược vào chứng khoán bằng sử dụng đòn bẫy tài chính và mua mạnh mỗi lúc thị trường chùn xuống.
Randy Lee, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi ở Lansing, bang Michigan, đang đầu tư vào các cổ phiếu của hãng du thuyền Royal Caribbean Group và hãng thực phẩm Kraft Heinz. Ảnh: WSJ |
Mức nắm giữ cổ phiếu của các hộ gia đình Mỹ cao kỷ lục
Cơn sốt đầu tư cổ phiếu diễn ra khi mức độ biến động của thị trường giảm và chỉ số S&P 500 liên tiếp leo lên 25 đỉnh cao mới trong năm nay nhờ triển vọng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và mùa báo cáo lợi nhuận đầy lạc quan.
Trong khi đó, các khoản trợ cấp trực tiếp của liên bang giúp thu nhập của các hộ gia đình Mỹ tăng lên mức kỷ lục, thúc đẩy chi tiêu và đà bật dậy của nền kinh tế. Trong tuần tới, báo cáo hàng tháng về việc làm và kết quả kinh doanh của các công ty như Uber sẽ cung cấp thêm manh mối về sức mạnh của đà phục hồi kinh tế Mỹ.
Theo dữ liệu của Ngân hàng JPMorgan Chase và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong tháng 4, tỷ trọng cổ phiếu mà các hộ gia đình Mỹ đang nắm giữ lên đến 41% tổng tài sản tài chính của họ, mức cao kỷ lục trong lịch sử |
Hàng triệu tài khoản đầu tư đã được mở trong suốt thời kỳ dịch bệnh ở Mỹ với nhiều nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán. Các cố vấn tài chính và nhà quản lý quỹ đầu tư cho biết khách hàng của họ ngày càng an tâm nắm giữ cổ phiếu khi chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh mẽ trong năm qua.
Đà tăng giá ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ, gần đây được hỗ trợ bởi các báo cáo lợi nhuận ấn tượng của các ông lớn công nghệ, càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nhập cuộc.
Lợi nhuận quí 1 của Alphabet, công ty mẹ của Google, đạt mức kỷ lục 17,9 tỉ đô la, tương đương 26,29 đô la/cổ phiếu, vượt xa mức 15,88 đô la/cổ phiếu theo dự báo của các nhà phân tích. Trong khi đó, lợi nhuận quí 1 của Facebook tăng gần gấp đôi so với cùng năm ngoái, lên mức 9,5 tỉ đô la.
Các nhà đầu tư cá nhân ở Ngân hàng Bank of America Corp đã mua ròng cổ phiếu trong 9 tuần liên tiếp dù các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư lớn khác gần đây tháo chạy khỏi thị trường. Damon White, một trợ lý bác sĩ 44 tuổi ở Sewell, bang New Jersey, cho biết ông bắt đầu tìm hiểu về giao dịch cổ phiếu và quyền chọn thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok trong thời gian ông bị sa thải tạm thời hồi năm ngoái.
Hiện nay, ông đã đi làm trở lại nhưng vẫn thường xuyên kiểm tra các khoản đầu tư. Mới đây, ông rót thêm hàng ngàn đô la vào thị trường để mua các cổ phiếu của Apple, Tesla và American Airlines Group... nâng tổng giá trị chứng khoán mà ông đang nắm giữ lên mức hơn 400.000 đô la. White không mua bất kỳ trái phiếu nào và dự định tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu.
Tiền vay đầu tư chứng khoán lên đỉnh cao mới
Nhiều nhà đầu tư cá nhân không e ngại mỗi lúc thị trường chùn xuống. Dữ liệu của Công ty nghiên cứu Vanda Research cho thấy giới đầu tư cá nhân có xu hướng mua thêm cổ phiếu khi chỉ số S&P 500 giảm 1% trong phiên giao dịch hơn là khi chỉ số này tăng ở mức tương đương.
Một số nhà đầu tư thậm chí sử dụng đòn bẫy tài chính để tăng mức đặt cược trên thị trường cổ phiếu.
Dữ liệu của Cơ quan quản lý ngành công nghiệp tài chính (FIRA), có trụ sở ở Washington, cũng cho thấy tiền vay để đầu tư vào chứng khoán đạt mức kỷ lục 823 tỉ đô la trong tháng 3.
David Sadkin, đối tác ở Công ty Bel Air Investment Advisors, đang quản lý 4,6 tỉ đô la cho các khách hàng giàu có, cho biết tỷ trọng phân bổ tiền vào thị trường cổ phiếu của công ty ông đã tăng lên mức 65% từ mức gần 45% hồi năm ngoái, trong khi đó, tỷ trọng đầu tư cho trái phiếu giảm xuống. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt ở mức 1,632%, tăng khá mạnh so với mức 0,915% vào hồi đầu năm nhưng vẫn đang ở mức thấp so với lịch sử.
Sadkin nói:”Để đạt các mục tiêu cho khách hàng, chúng tôi cần phải chấp nhận rủi ro hơn. Chúng tôi dự định tiếp tục tái phân bổ tiền vào các tài sản rủi ro giữa lúc lợi tức trái phiếu vẫn đang ở mức thấp”.
Các nhà đầu tư khác thậm chí còn quyết liệt hơn. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ (AAII) cho thấy trong tháng 3, giới đầu tư cá nhân ở Mỹ đang phân bổ tiền vào thị trường chứng khoán ở mức 70% tổng tài sản tài chính của họ, cao nhất trong 3 năm qua.
Lo ngại bong bóng thị trường
Randy Lee, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi ở Lansing, bang Michigan, cho biết ban đầu, anh bị thu hút bởi mức sinh lời nhanh chóng của các giao dịch quyền chọn. Các khoản giao dịch nhỏ của anh trên thị trường quyền chọn tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ trong vài giờ.
Giờ đây, anh vẫn tham gia giao dịch trên thị trường quyền chọn nhưng cũng đầu tư vào các cổ phiếu bị “hắt hủi” như cổ phiếu của hãng du thuyền Royal Caribbean Group hay cổ phiếu của hãng thực phẩm Kraft Heinz. Anh nói: “Cũng giống như nhiều người khác, tôi nhận thấy nơi để kiếm tiền tốt hơn là thị trường chứng khoán”.
Randy Lee đang lạc quan về thị trường cổ phiếu, đặc biệt là sau khi đón nhận tin lợi nhuận khủng của các “ông lớn” công nghệ hồi tuần trước. Nhưng anh cũng lo ngại thị trường sẽ sụp đổ trong tương lai, vì vậy, anh bắt đầu mua một số tiền ảo để đề phòng trường hợp thị trường chứng khoán suy thoái.
Đà tăng giá của mọi thứ từ gỗ xẻ cho đến cổ phiếu đang làm gia tăng lo ngại về bong bóng thị trường. Đối với một số nhà phân tích, sự sôi động quá mức xung quanh thị trường chứng khoán đang phát đi một tín hiệu cảnh báo.
“Giới đầu tư nhỏ lẻ đã kiếm được rất nhiều tiền từ nhiều kênh đầu tư bao gồm cổ phiếu trong năm qua. Đến một lúc nào đó, với tỷ trọng phân bổ tài sản vào cổ phiếu cao như hiện nay, mối rủi ro là việc họ quyết định chốt lãi và thoát ra khỏi thị trường. Đó chính là điều từng xảy ra trước năm 2000”, Nikolaos Panigirtzoglou, giám đốc bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu ở Ngân hàng JPMorgan Chase, nói.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.naohk-gnuhc-gnourt-iht-oav-yat-tat-ym-nahn-ac-ut-uad-ioig/679513/nv.semitnogiaseht.www