Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các nguyên nhân cơ bản khiến các cửa ngõ TP.HCM và khu vực phía Nam kẹt xe nghiêm trọng mỗi dịp lễ, tết.
Kẹt xe nghiêm trọng trong ngày 29-4 tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.HCM). Ảnh: THU TRINH
“Kẹt xe” là “từ khóa” mỗi dịp lễ, tết
. Phóng viên: Cứ mỗi dịp lễ, tết thì câu chuyện “hành xác” trên đường từ TP.HCM tới các địa điểm du lịch hoặc người dân ùn ùn từ TP về quê nghỉ lễ lại diễn ra. Theo ông, những nguyên nhân chính nào khiến “kẹt xe” luôn là “từ khóa” mỗi dịp lễ, tết?
+ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (ảnh): Kẹt xe ở các kỳ nghỉ lễ có nhiều nguyên nhân. Tôi cho rằng có năm nguyên nhân khiến tình trạng giao thông kẹt cứng mỗi dịp lễ, tết ở cửa ngõ TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung.
Cụ thể, đó là tình trạng phát triển giữa các vùng không cân đối, đầu tư kết nối vùng chưa đúng mức, mặt tổ chức phối hợp chưa tốt, chế tài vi phạm giao thông còn nhẹ, ý thức người dân chưa cao.
Phát triển không cân đối
. Ông có thể phân tích rõ hơn về tình trạng phát triển giữa các địa phương không cân đối?
+ Nguyên nhân đầu tiên gây kẹt xe dịp lễ, tết không hẳn là do đường sá mà là sự phát triển không cân đối giữa các địa phương. Chính xác là hiện tượng tập trung lực lượng lao động ở TP.HCM. Việc lao động tập trung ở TP.HCM cũng vì bất đắc dĩ khi họ không có cơ hội việc làm tốt hơn ở các tỉnh khác.
Nếu giữa các địa phương phát triển cân đối hơn, phân bổ dân cư, việc làm đều hơn thì không có tình trạng mỗi lần lễ, người dân ùn ùn di chuyển khỏi TP.HCM và hết lễ thì ùn ùn quay trở lại.
Theo tôi, các tỉnh/thành đều phải cố gắng tạo cơ hội có công ăn việc làm cho người dân. Điều này cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và trung ương để phát triển cân đối hơn.
Cán cân kết nối vùng không đồng đều
. Còn câu chuyện kết nối vùng là nguyên nhân thứ hai gây kẹt xe, cụ thể là thế nào thưa ông?
+ Cán cân hiện không đồng đều giữa đầu tư kết nối vùng ngoài Bắc và trong Nam. Người ta dễ dàng tìm thấy các thống kê tỉ lệ kilomet đường cao tốc ngoài Bắc cao gấp mấy lần trong Nam.
Dịp lễ, tết, TP.HCM như thế nào thì Hà Nội cũng vậy. Người lao động, nhập cư ở TP Hà Nội rất đông nhưng kẹt xe ở cửa ngõ Hà Nội không bằng TP.HCM, đó là vì hệ thống đường cao tốc, hạ tầng tốt hơn. Hy vọng thời gian tới sẽ tới lượt phía Nam được quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông.
Tất nhiên, chuyện phát triển hạ tầng còn khó khăn do ngân sách có hạn. Quy hoạch thì đã có, chính quyền địa phương và trung ương cũng phải tính toán để nâng cấp từ từ.
Chúng ta nên ưu tiên đầu tư kết nối cho những dự án có hiệu quả nhất ở TP.HCM như đường vành đai 2, 3, 4 và lưu ý các đường hướng tâm. Ngoài ra cũng cần xây dựng cao tốc tương xứng hơn cho phía Nam.
Tổ chức, phối hợp chưa tốt
. Nguyên nhân thứ ba, ông cho rằng đó là mặt tổ chức, phối hợp chưa tốt. Về mặt này, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì thưa ông?
+ Khâu tổ chức, phối hợp của cơ quan chức năng hiện nay là chưa đồng bộ và chưa chặt chẽ khiến ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Ví như câu chuyện về xả trạm thu phí BOT khi có kẹt xe vừa rồi. Theo tôi, chúng ta nên quy định luôn là dịp lễ, tết nghỉ dài thì yêu cầu các trạm thu phí phải xả trạm để tránh ùn tắc.
Thêm nữa, như vừa qua, chúng ta thấy mối nguy COVID-19 thì luôn luôn hiện hữu. Đáng lẽ trước các kỳ nghỉ như vậy, cơ quan chức năng phải có những giải pháp, cảnh báo hoặc tuyên truyền trước cho người dân để tránh việc tụ tập đông người. Tôi thấy vừa qua chúng ta hơi bị động trong việc này, nhiều người đã trót mua vé, đặt tour nên không hủy được.
Chúng ta cần rút kinh nghiệm để kỳ nghỉ tết Nguyên đán tổ chức tốt hơn, như có kế hoạch cho người dân đi chia theo đợt như thế nào; hoặc khi có nguy cơ bùng phát dịch thì khuyến cáo ai ở đâu ở yên đó, hạn chế tập trung đông người.
Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt nhưng cũng ở trong nhóm nguy cơ cao khi xảy ra dịch vì hệ thống, hạ tầng y tế còn hạn chế. Tôi rất lo nếu có mầm dịch trong cộng đồng sẽ có nguy cơ không kiểm soát được. Kẹt xe chỉ là nguy cơ nhỏ so với COVID-19.
Quan trọng nhất là giải pháp quản lý Gốc rễ của câu chuyện kẹt xe này là do lưu lượng xe quá lớn, trong khi đó mặt cắt ngang của đường phục vụ thì nhỏ. Tình trạng này còn thuộc về yếu tố chủ quan của người dân và các cấp quản lý của Nhà nước. Trong đó, người dân lưu thông vẫn chưa giữ đúng luồng tuyến của mình. Thông thường, nếu những tuyến đường không có dải phân cách thì thường xuyên xảy ra tình trạng “lấn trái”. Về mặt quản lý của Nhà nước, khi nhu cầu đi lại của người dân dồn vào một thời điểm mà phía quản lý không thể hình dung được nên không đủ lực lượng quản lý, đảm bảo việc thông xe. Khi phát hiện luồng tuyến bị lấn, lập tức có người quản lý tới xử lý ngay thì tình trạng “lấn trái” sẽ được ngăn chặn. Chủ trương vào ngày lễ, khi lượng xe quá lớn thì phải xả trạm thu phí là biện pháp cần thiết. Điều này giúp cho việc thông xe dễ dàng hơn, nhanh hơn. Theo tôi, giải pháp quản lý của Nhà nước là quan trọng nhất. Cơ quan quản lý cần có những dự báo thời điểm xảy ra tình trạng kẹt xe, từ đó tổ chức lực lượng, thông báo như thế nào để người dân tránh dồn cục lại. Ngoài ra, những công trình giao thông chưa được đồng bộ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe. Trong trường hợp này thì dùng giải pháp công trình như tăng làn đường, làm đường mới. Kiến trúc sư VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM Cần giải pháp công trình và phi công trình Đợt dịch COVID-19 vừa rồi, người dân không đi du lịch được nên vào dịp lễ này nhu cầu người dân tăng cao khiến nhiều tuyến đường, cửa ngõ TP.HCM kẹt cứng. Tôi cho rằng có hai giải pháp giảm kẹt xe mỗi dịp lễ, tết, đó là giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp phi công trình, TP cần tăng cường lực lượng tuyên truyền, vận động người dân ý thức tham gia giao thông; tăng cường lực lượng bố trí, điều tiết tổ chức giao thông ở các khu vực. Về giải pháp công trình, cần mở rộng công trình, tuyến đường kết nối đường vành đai làm sao mở lối thoát một cách nhanh nhất. Về tình hình người dân “lấn trái” thì xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm. Vào các dịp lễ, Sở GTVT TP.HCM và Công an TP.HCM đều có kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý. Phần lớn quận, huyện thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc đều có kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng để tổ chức điều tiết, bố trí lực lượng, xử lý sao cho phù hợp với tình hình giao thông. Tuy nhiên, bước phối hợp giữa các đơn vị nói trên là rất quan trọng. Cụ thể, các nhóm xử lý nhanh Zalo, Viber trên nhiều khu vực trong các trường hợp xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng đều cần phối hợp nhịp nhàng. Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP THU TRINH |
Chế tài còn nhẹ, ý thức người dân chưa cao
. Nguyên nhân thứ tư và thứ năm liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông và ý thức lưu thông của người dân, ông nhận định hai vấn đề này như thế nào?
+ Đối với việc chế tài còn quá nhẹ, tôi thấy cứ dịp lễ, tết, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông rất nhiều. Điển hình một xe nhồi nhét bao nhiêu người, trong khi chế tài cho việc này còn quá nhẹ khiến áp lực hạ tầng tăng cao hơn.
Khi có dịch bệnh thì những xe nhồi nhét này là nơi có nguy cơ lây lan cao nhất, khi có tai nạn thì những xe này sẽ nguy hiểm nhất. Còn về việc lấn làn, lấn tuyến… thì cũng cần xử phạt nghiêm. Chúng ta cần phải có chế tài mạnh, giáo dục lâu dài để người dân quen với tình trạng tuân thủ luật giao thông.
Nguyên nhân cuối cùng là về ý thức người dân, người trực tiếp tham gia giao thông. Các nước tiên tiến trên thế giới, như dịp lễ tạ ơn ở Mỹ, cũng có làn sóng di chuyển, cao tốc đông xe nhưng ít có tình trạng tắc nghẽn mà chỉ đi chậm vì họ rất tuân thủ luật giao thông.
Tôi chứng kiến ở nước ta, mỗi khi kẹt, có chỗ nào trống là chen chỗ đó. Rồi tình trạng lấn làn, lấn cả làn ngược chiều thì sẽ tắc ngay, như tình trạng đường đi Đà Lạt vừa rồi.
Đôi khi không thể đổ cho hạ tầng giao thông kém mà chúng ta cần phải tuân thủ luật lệ giao thông, đi đúng làn thì đoàn xe sẽ di chuyển được chậm, còn hơn chen lấn rồi tất cả cùng đứng yên hàng giờ.
. Xin cám ơn ông.•
Bài toán cấp thiết: Cần sớm đầu tư Trong ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, các tuyến đường kết nối từ TP.HCM đi TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu, cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đều rơi vào trạng thái quá tải. Lãnh đạo Sở GTVT các địa phương này đều cho rằng bài toán cấp thiết và giải quyết căn cơ vấn đề kẹt xe tại những tuyến đường trên là giải pháp công trình, cần sớm đầu tư hạ tầng giao thông. Ông NGUYỄN VĂN GIA, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng: Sớm đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc Vào các dịp lễ, tết, khách du lịch từ nhiều nơi đổ về TP Đà Lạt nghỉ dưỡng. Theo đó, các tuyến đèo nối lên Đà Lạt như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa và các cửa ngõ ra vào tỉnh, TP Đà Lạt đều rơi vào tình trạng quá tải. Theo đó, để hạn chế kẹt xe trong những dịp này, người dân nên cân nhắc lựa chọn phương tiện và thời gian di chuyển.Còn về lâu về dài, bài toán cấp thiết để giải quyết tình trạng này là sớm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tăng khả năng kết nối vùng. Trong đó cần sớm xây dựng đường cao tốc nối với tỉnh Lâm Đồng. Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã được thông qua và chuẩn bị trình nghiên cứu khả thi dự án. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm cho đầu tư cao tốc này. Nếu các thủ tục thuận lợi, dự kiến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ khởi công vào cuối năm 2022, hoàn thành vào năm 2025. Ông CAO MINH ĐỨC, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre: Đẩy nhanh xây dựng cầu Rạch Miễu 2 Những năm qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang và CSGT Công an tỉnh Bến Tre đã chủ động phối hợp thực hiện phương án chống ùn ứ giao thông qua cầu Rạch Miễu. Đồng thời, để giải bài toán ùn tắc giao thông cho cầu Rạch Miễu và quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre đã xây bến phà tạm Rạch Miễu. Bến phà này cách cầu Rạch Miễu khoảng 10 km và sẽ hoạt động trong vòng năm năm trong khi chờ xây cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành. Hiện tỉnh Bến Tre đang làm việc cùng với Bộ GTVT để thúc đẩy nhanh việc khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Hướng tuyến cầu Rạch Miễu 2 được thống nhất sẽ được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Mục đích nhằm phân tán lưu lượng xe, giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ 60 và tại cầu Rạch Miễu hiện tại, giảm tải cho quốc lộ 1. Thời gian thực hiện dự án cầu Rạch Miễu 2 dự kiến từ năm nay đến năm 2025. Ông TRẦN THƯỢNG CHÍ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ đưa vào hoạt động các tuyến đường mới Sắp tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đưa vào hoạt động các tuyến đường mới đã và đang được đầu tư xây dựng bên cạnh quốc lộ 51. Các tuyến đường này sẽ góp phần giảm tình trạng kẹt xe mỗi dịp lễ, tết. Trong đó, điển hình là dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới đây đã được hội đồng thẩm định của Bộ KH&ĐT họp bàn. Sắp tới, đơn vị tư vấn sẽ hoàn chỉnh lại để trình Bộ KH&ĐT, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, tuyến đường liên cảng nối Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu (qua cầu Phước An) đang dần hoàn thành cũng sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 51. Ngoài ra, người dân đi TP Vũng Tàu bằng đường phà biển cũng góp phần giảm lượng xe lưu thông trên quốc lộ 51 vào dịp lễ, tết. Đ.TRANG - Đ.HÀ - T.KHÁNH |