Sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc, ùn ứ cả ở trên trời dịp lễ 30-4 và 1-5 - Ảnh: C.TRUNG
Nhiều hành khách lo lắng, còn hãng bay kêu bị đội thêm chi phí, trễ chuyến dây chuyền.
Những chuyến bay 'lịch sử' gấp đôi thời gian bay
Tân Sơn Nhất vừa "hóa giải" được việc ùn tắc ở khâu soi chiếu an ninh, song nhiều hành khách lại vừa phải than trời về những chuyến bay "lịch sử" với thời gian bay gấp đôi so với bình thường, thậm chí còn bay lòng vòng ra biển, xuống tận Cần Thơ rồi mới bay ngược về đáp ở Tân Sơn Nhất.
Chị Tiên, hành khách đi từ Quảng Nam đến TP.HCM trên chuyến bay VJ375 chiều 30-4, cho biết chưa bao giờ có một chuyến bay mà thời gian kéo dài hơn 2 tiếng, gấp đôi thời gian so với bay thông thường. Theo chị Tiên, thời gian chặng này khoảng 1 tiếng 10 phút, dự kiến đáp ở Tân Sơn Nhất lúc 21h40.
"Tôi đã hẹn người thân đón ở sân bay. Máy bay cứ bay lòng vòng đến 22h40, tức hơn 1 tiếng so với thời gian ban đầu. Hàng trăm hành khách trên chuyến bay tỏ ra lo lắng. Đến khi tiếp viên thông báo và chuyến bay hạ cánh an toàn ở Tân Sơn Nhất lúc 22h48, tôi mới thở phào nhẹ nhõm" - chị Tiên nói.
Không chỉ VJ375 mà tình hình hàng chục máy bay xếp hàng trên bầu trời chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất diễn ra thường xuyên dịp lễ 30-4 và 1-5. Có chuyến bay từ Đà Lạt - TP.HCM chỉ 55 phút bay nhưng hàng trăm hành khách được "miễn phí" thêm 1 tiếng bay mới được hạ cánh. Giờ khởi hành lúc 22h32 ngày 30-4, thời gian bay 55 phút nhưng hàng trăm hành khách đến Tân Sơn Nhất vào rạng sáng 1-5 vì... kẹt ở trên trời. Máy bay phải vòng ra biển rồi vào lại đất liền, tiếp tục hướng về Cần Thơ rồi mới đến Tân Sơn Nhất chờ hạ cánh.
Tương tự, chuyến bay VN217 từ Hà Nội - TP.HCM có thời gian bay kéo dài đến 2 tiếng 43 phút, trong khi hành khách cho hay bình thường chỉ khoảng 2 tiếng.
Theo một phi công của Vietnam Airlines, với trọng lượng hiện tại khoảng 70 tấn cho tàu bay A321, bay vòng chờ chỉ khoảng 5 phút ở độ cao 1.500 feet (khoảng 450m) so với độ cao sân bay, lượng dầu tiêu thụ đã mất khoảng 250 - 300 kg. Nếu một chuyến phải vòng chờ quá lâu trên trời sẽ làm chậm giờ của chuyến tiếp theo, hành khách sẽ phải nhận thông báo "trễ chuyến vì máy bay về muộn".
Điệp khúc đông, quá tải!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quý Đôn - phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam - xác nhận tình trạng máy bay nối đuôi nhau xếp hàng ở trên trời vào dịp lễ 30-4 chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất đã xảy ra, khiến nhiều chuyến bay phải bay vòng.
Ông Đôn cho biết do tần suất khai thác cao, máy bay dồn về cùng một thời gian nhưng năng lực thông quan có giới hạn của hệ thống đường cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu phải kéo dài thời gian bay trong vùng trời tiếp cận sân bay (như bay vòng chờ tại chỗ, bay theo mạch phương thức dicdăc hình chữ U và hình vòng cung...).
Ông Đôn trấn an việc bay này được xếp thành một luồng nối đuôi một cách trật tự, có hệ số an toàn cao. Dù đông hay ít, khoảng cách giữa 2 máy bay phải được tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn.
Theo ông Đôn, có ngày trong dịp lễ, hàng loạt máy bay phải thay đổi đầu đường băng ở Tân Sơn Nhất để hạ cánh do ảnh hưởng của luồng gió. Khi thay đổi đầu đường băng hạ cánh, tất nhiên phương thức hạ cánh cũng phải khác, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian bay chờ.
Ông Nguyễn Quý Đôn cho rằng cần phải siết chặt việc bay đúng slot của các hãng đi, đến Tân Sơn Nhất để hạn chế bay chờ. Trường hợp bị sai lệnh về thời gian khởi hành, trung tâm kiểm soát đường dài của quản lý bay sẽ phối hợp, điều phối máy bay còn ở dưới đất lùi thời gian khởi hành, lần lượt giải quyết các máy bay cất, hạ cánh hợp lý để hạn chế tình trạng bay chờ.
Chỗ đỗ cũng "nóng"
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì cho biết khả năng tiếp nhận máy bay khai thác với tần suất cao trong dịp lễ vẫn đảm bảo. Hiện sân bay này có 82 vị trí đỗ, trong đó có 2 vị trí đỗ sử dụng cho trường hợp khẩn nguy, 80 vị trí đỗ thường xuyên sử dụng cho khai thác thương mại.
Tuy nhiên, theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thời gian qua chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, các chuyến bay quốc tế không khai thác nên số lượng máy bay của các hãng nội địa thường xuyên đỗ vượt quá số lượng quy định. Vì vậy, sân bay này đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận bổ sung 14 vị trí đỗ cho máy bay không khai thác trên các đường lăn, vệt lăn.
"Hiện nay các chuyến bay chở hàng được điều phối khai thác tập trung về ban đêm và chủ yếu khai thác máy bay thân rộng nên có thể thiếu vị trí đỗ ngoài cho máy bay thân rộng ở một số thời điểm nhất định. Đơn vị sẽ linh hoạt bố trí chuyến bay chở hàng vào đỗ tại vị trí có cầu ống dẫn khách để đảm bảo hoạt động khai thác" - đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói.
Khách tăng mạnh
Hiện nay tham số điều phối giờ cất, hạ cánh ở Tân Sơn Nhất từ khung 6h-23h55 đạt 44 chuyến/giờ, 0h-5h55 đạt 32 chuyến/giờ. Dịp lễ 30-4, Tân Sơn Nhất phục vụ đến 744 chuyến/ngày, tăng 25% so với ngày thường. Sản lượng khách 96.000 - 102.000 lượt khách/ngày, tăng 18% so với ngày thường.
"Để hạn chế bay vòng, các hãng phải bay đúng slot được cấp" - ông Nguyễn Quý Đôn nói và khẳng định sẽ điều phối các chuyến bay cất, hạ cánh ở Tân Sơn Nhất hạn chế thấp nhất việc bay vòng để giảm tiêu hao nhiên liệu cho hãng bay và đảm bảo an toàn.
Trường hợp máy bay chờ hạ cánh đông, các chuyến bay khởi hành ở Đà Nẵng, Hà Nội sẽ được điều phối chậm hơn một chút để giải quyết tình trạng xếp hàng chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất.
TTO - Tân Sơn Nhất đã đón lượng khách thông qua cảng ngày 29-4 đạt 102.000 lượt, dự kiến ngày 30-4 sẽ đạt 96.000 lượt khách. Các giải pháp giảm ùn tắc bên trong sân bay dịp lễ cơ bản đã tạo được thông thoáng trong 2 ngày gần đây.