Ở những mùa đại hội cổ đông trước, mỗi khi HĐQT ngân hàng (NH) đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu liền bị cổ đông phản ứng gay gắt, đòi chia bằng tiền mặt. Nhưng năm nay, khi cổ phiếu NH tăng giá mạnh, dẫn dắt thị trường chứng khoán vượt đỉnh lịch sử thì mọi thứ đã khác hẳn.
Cổ đông thích cổ phiếu thưởng
Mới đây nhất, tại đại hội cổ đông của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán: LPB), ông Phạm Doãn Sơn, tổng giám đốc, phấn khởi khoe với các cổ đông tại đại hội năm trước giá cổ phiếu LPB chỉ khoảng 7.000 đồng đến nay đã hơn 21.000 đồng, tức đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 1 năm, giúp các cổ đông lâu nay của NH hưởng lợi. Do đó, HĐQT đề nghị cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tỉ lệ 12% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỉ đồng nhằm tăng cường năng lực kinh doanh của NH thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt. Các cổ đông không những không phản đối mà còn nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch này. Cổ đông còn bày tỏ tin tưởng việc NH có thêm thành viên HĐQT mới sẽ giúp cổ phiếu LPB tăng lên ngang ngửa với ACB, MBB…
Tương tự, tại đại hội cổ đông NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, cũng thuyết phục cổ đông nhận cổ tức 25% bằng cổ phiếu và cho rằng với cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông có thể hiện thực hóa thành tiền mặt trên thị trường chứng khoán rất thuận lợi. Bởi cổ phiếu HDBank đang hấp dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tích cực.
Theo ghi nhận, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cổ phiếu NH như VIB, VPBank, SHB… liên tục dậy sóng. Thậm chí một số NH vừa lên sàn cổ phiếu đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp hoặc biến động mạnh khi có thông tin mới về nhân sự, hoạt động kinh doanh như SSB (SeABank), KLB (Kienlongbank).
Đơn cử, chỉ trong 3 tháng qua, mã VIB của NH TMCP Quốc tế (VIB) đã tăng một mạch từ khoảng 42.000 đồng/cổ phiếu lên tới 55.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 28,4%. Trong khi một năm trước, giá cổ phiếu VIB chỉ khoảng 17.000 đồng, thậm chí có thời điểm giảm sâu về 13.000 đồng/cổ phiếu.
Hay với cổ phiếu của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB), trong tuần trước kỳ nghỉ lễ 30-4, bất chấp thị trường nhiều phiên giảm điểm mạnh nhưng VPB vẫn tăng chóng mặt và hiện ở mức 58.500 đồng/cổ phiếu, tăng 27,6% trong vòng 1 tháng qua. Câu chuyện của VPB đến từ thương vụ VPBank bán 49% vốn điều lệ của Công ty Tài chính FE Credit cho đối tác Nhật. Không ít nhà đầu tư bày tỏ sự tiếc nuối khi đã bán "non" cổ phiếu này ở mức giá 50.000 đồng, một tuần trước kỳ nghỉ lễ…
Chị Ngọc, một nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu VIB, cho hay năm nay NH này sẽ chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 40% nên chị có kế hoạch mua thêm ở những phiên điều chỉnh và nắm giữ đến khi chia cổ phiếu thưởng. Nhiều nhà đầu tư khác cũng chia sẻ tiếp tục nắm giữ và mua thêm mã cổ phiếu NH vào danh mục để chờ chia cổ tức.
Cổ đông của LienVietPostBank hầu hết nhất trí với những tờ trình của HĐQT trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng này đang tăng mạnh. Ảnh: LAM GIANG
Ngân hàng vẫn là tâm điểm
Chuyên gia tài chính - TS Lê Đạt Chí nhận định trong một nền kinh tế việc các NH đạt lợi nhuận vượt trội so với các doanh nghiệp là điều không tốt về mặt trung dài hạn. Nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NH vẫn là tâm điểm, có tỉ trọng vốn hóa cao. Và với kết quả kinh doanh trong mùa dịch Covid-19 lại đạt lãi suất cao thì nhóm cổ phiếu ngành này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư là dễ hiểu. "Lãi suất tiền gửi vào NH ở mức thấp cũng khuyến khích nhà đầu tư dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu để trở thành cổ đông và hưởng cổ tức. Rất nhiều nhà đầu tư F0 chọn cổ phiếu NH có thanh khoản cao, kỳ vọng giá tiếp tục tăng nhưng ngành NH cũng rất nhạy cảm khi chính sách thay đổi nên F0 cần cẩn trọng" - TS Lê Đạt Chí phân tích.
Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu NH trong thời gian tới sẽ có sự phân hóa mạnh. Với những NH có liên quan tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, sáp nhập… vẫn có khả năng tăng mạnh và hưởng lợi về giá. Nhưng về trung dài hạn, cổ phiếu tăng trưởng bền vững phải đến từ cả 2 yếu tố là "nội tình" và "sức khỏe" thật sự của NH, nếu không sẽ chỉ là tăng trong nhất thời.
Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhóm cổ phiếu NH đã đạt đỉnh tăng trưởng khi hầu hết kết quả kinh doanh quý I đã được công bố và mùa đại hội cổ đông cũng kết thúc nên nhóm này sẽ giảm vai trò dẫn dắt. "Thị trường luôn đi tìm những cổ phiếu có "câu chuyện" và ngành NH thời gian qua kỳ vọng lợi nhuận cao, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ cao. Những điều này đã phản ánh vào giá thời gian qua nên một số cổ phiếu có thể gặp áp lực điều chỉnh trong thời gian tới, chưa kể thị trường lên nhờ lực tăng chính từ nhóm cổ phiếu NH thì giảm cũng có thể đến từ nhóm này" - ông Minh nói.
Xem thêm: mth.12541002230501202-gnon-cut-peit-es-gnah-nagn-ueihp-oc/et-hnik/nv.moc.dln