Tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã chứng kiến màn gọi vốn thành công của Coolmate – một startup cung cấp giải pháp mua sắm cho nam giới, chuyên bán những món đồ thời trang cơ bản như áo phông, quần lót, bít tất…
Sau màn thương thảo qua lại nhiều căng thẳng với Shark Bình, cuối cùng founder Phạm Chí Nhu đã "chốt deal" thành công và gọi được số vốn 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần + 2,5% advisory shares.
Cùng một lúc có 3.000 truy cập sau 5 phút phát sóng
Ngay sau khi lên sóng Shark Tank không lâu, đội ngũ Coolmate đã có những chia sẻ xúc động trên Fanpage: "Tối qua hẳn là một đêm đáng nhớ với tất cả đội ngũ Coolmate. Gần 30 con người đã tụ tập ở 2 đầu cầu Hà Nội và Hồ Chí Minh để cùng đón xem chương trình, dù là chủ nhật và là ngày lễ, cảm giác còn hồi hộp hơn xem chung kết World Cup.
Tối qua, bỗng dưng cái tên Coolmate được lên sóng truyền hình quốc gia VTV với hàng triệu khán giả đón xem. Với mô hình và sứ mệnh của Coolmate là xây dựng một nơi mua sắm an tâm tiết kiệm hơn cho nam giới, sự kiện này có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ngay từ đầu, Coolmate đã xác định sẽ không đầu tư nhiều ngân sách cho các chiến dịch marketing rầm rộ, thay vào đó sẽ đầu tư cho chất lượng sản phẩm và bán ra với giá tốt nhất có thể, nên việc được giới thiệu mình đến đông đảo khán giả thực sự là một điều tuyệt vời.
Tối qua, 5 phút sau khi phát sóng, trong cùng 1 lúc đã có gần 3 ngàn lượt truy cập vào website, lần này may mắn website không sập chút nào cả, đi cùng với đó là rất nhiều lời chúc mừng lẫn chia sẻ từ đông đảo khán giả lẫn khách hàng. Coolmate đã thấy mình rất may mắn vì có những người đồng hành như thế.
…
Với Coolmate, hành trình đến với Shark Tank là mong chờ, là hoài nghi, là bối rối, và cả vỡ oà. Cũng trên hành trình đó, đã có rất nhiều công nhân may mặc làm việc hết công suất để chuẩn bị sản phẩm, đã có nhiều kỳ nghỉ của các Coolmaters tạm dừng để chuẩn bị cho sự kiện này, và rất nhiều giờ OT nữa. Hơn hết, chúng tôi không cảm thấy vất vả, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống, trải nghiệm, và có cơ hội được phục vụ nhiều khách hàng hơn nữa".
CEO Phan Chí Nhu đã thương thảo thành công với Shark Bình.
Trước khi tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 4, Coolmate vốn đã làm một gương mặt khá quen thuộc trong các cuộc thi dành cho startup tại Việt Nam. Điển hình, công ty này từng lọt vào top 10 của Startup Wheel 2020. Đầu năm 2020, Coolmate đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ Quỹ 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley. Bên cạnh đó, đại diện Coolmate cho biết vòng gọi vốn gần đây nhất với nhà đầu tư Hàn Quốc được định giá 4,5 triệu USD pre-money, đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái và sẽ kết thúc trong tháng này.
Được biết, founder Phạm Chí Nhu không xuất thân từ ngành thời trang mà làm việc trong ngành kiểm toán tại Deloite Việt Nam. Sau đó, anh cũng tự mở một thương hiệu thời trang dành cho nam trước khi cho ra đời Coolmate.
Ngoài ra, đội ngũ sáng lập còn có CTO (Giám đốc công nghệ) Nguyễn Văn Hiệp – vốn là cựu CTO tại Ecomobi và CMO (Giám đốc marketing) Nguyễn Hoài Xuân Lan – từng làm CEO tại Marketing Agency trong vòng 2 năm.
"Ông trùm" Shopee
Ngoài việc bán lẻ từng món đồ, điểm mới của Coolmate nằm ở việc cung cấp những "tủ đồ định kỳ" Cool Sub. Hiểu đơn giản, đây là một dịch vụ mà khách hàng chỉ cần đặt mua 1 lần duy nhất và nhận định kỳ những món đồ cơ bản bao gồm các sản phẩm tốt nhất của Coolmate.
Thực tế, mô hình này không phải quá mới mẻ, được gọi bằng thuật ngữ "Subscription Economy hay "Subscription model", tạm dịch là "Doanh thu đăng ký".
Coolmate có mô hình tương tự startup Her Fashion Box
Ngay trên Shark Tank Australia, một startup tương tự Coolmate là Her Fashion Box cũng từng gọi vốn thành công vào năm 2019. Her Fashion Box là một "hộp đồ thời trang" dành cho nữ giới, bao gồm quần áo, phụ kiện, trang sức, nước hoa,… Startup này đã gọi vốn thành công với 200.000 USD cho 16% cổ phần, tương đương mức định giá 1,25 triệu USD (28,75 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau đó, Her Fashion Box dính phải bê bối vì trả lương thấp, dùng lao động quá sức,...
Ngoài ra, nền tảng âm nhạc Spotify hay xem phim Netflix cũng là những cái tên nổi bật đã "làm giàu" thành công từ mô hình doanh thu đăng ký.
Tại Việt Nam, MC Minh Trang cũng đang cung cấp những hộp sách dành cho trẻ em phù hợp với từng nhóm tuổi, được giao định kỳ hàng tháng tới gia đình, gọi là "Hộp háo hức".
Ưu điểm của mô hình này ở chỗ giảm bớt chi phí và quy đổi thành tiền các dịch vụ và đặc tính giá trị gia tăng. Nếu tạo ra được một lượng lớn cơ sở người dùng, mô hình có thể tạo doanh thu định kỳ và thậm chí có thể hưởng lợi từ những khách hàng "đơn giản", những người quá lười để hủy đăng ký dịch vụ của công ty.
Tuy nhiên tại Việt Nam, chưa có nhiều công ty cũng như số liệu cụ thể để đánh giá tính hiệu quả của mô hình "Subscription Economy". Có thể đó cũng là một phần lý do Coolmate hiện vẫn tập trung vào bán các sản phẩm riêng lẻ nhiều hơn. Theo Coolmate, tính đến tháng 7/2020 đã có gần 1 triệu lượt truy cập website Coolmate.me, hơn 30.000 khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm.
Coolmate cực kỳ đắt hàng trên Shopee.
Bên cạnh kênh website của riêng mình, startup này cũng mở các gian hàng chính hãng trên nền tảng thương mại khác như Shopee, Lazada. Với mức giá rẻ hơn 25-40%, vận chuyển nhanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, Coolmate đã thu về doanh số ấn tượng dù chỉ bán những món đồ cơ bản và phải cạnh tranh với vô số đối thủ khác. Điển hình, dù mới thành lập năm 2019 nhưng gian hàng Coolmate trên Shopee đã ghi nhận số lượng bán khổng lồ. Với những món đồ cơ bản dành cho nam như áo thun, quần thể thao, tất, quần lót, số lượng bán dao động từ 4.000 đến cả 10.000 chiếc. Trong mục đánh giá, startup này cũng nhận về các đánh giá tích cực từ khách hàng, đạt 4,9/5 điểm.
Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị