Mô hình bên trong tàu lặn Pisces III - Ảnh: cyberneticzoo.com
Roger Chapman - 28 tuổi, phụ trách điều khiển tàu lặn và kỹ sư Roger Mallinson - 35 tuổi, đã được giải cứu sau 84 giờ 30 phút mắc kẹt dưới đáy sâu đến 487m.
"Chúng tôi chỉ ngồi đó với đèn pin..."
Ngày 29-8-1973, Roger Chapman và Roger Mallinson vào tàu lặn Pisces III dài 6m để xuống độ sâu 487m thuộc vùng biển cách thành phố Cork ở Ireland (Anh) khoảng 240km.
Chapman nhớ lại: "Mất khoảng 40 phút để xuống gần 500m nước và nhanh hơn một chút lúc đi lên. Chúng tôi đi trên mặt đáy biển khoảng 800m/giờ để đặt máy bơm và máy thổi bùn lắp đặt dây cáp. Công việc rất chậm và thiếu ánh sáng".
Việc chôn cáp điện thoại bọc thép ngầm dưới Đại Tây Dương được thực hiện theo hợp đồng với bưu điện.
Tàu lặn Pisces III dành cho hai người được Công ty International Hydrodynamics ở Canda sản xuất năm 1969, hoạt động dưới sự điều khiển từ tàu mẹ Vickers Voyager trên mặt nước. Sau lần lặn thứ tư, công việc đã hoàn thành sau 8 tiếng thi công. Trong lúc dây cáp trên tàu lặn Pisces III đang vận hành đưa tàu lặn trở lên tàu mẹ thì nó bị kẹt và xoắn mạnh làm cửa sập khoang kín phía sau tàu lặn bung ra. Nước tràn vào, tàu càng nặng hơn trì kéo làm đứt dây cáp, thế là tàu lặn rơi tự do xuống biển.
Chapman và Mallinson ngắt điện, bỏ khối dằn tàu nặng 180kg để tàu nhẹ hơn rồi chuẩn bị tinh thần chịu va đập. Mallinson kể: "Khoảng 30 giây trước khi bị va đập, chúng tôi đã tắt máy đo độ sâu ở 152m vì máy có thể nổ. Có nệm nên chúng tôi cuộn mình lại đề phòng chấn thương. Chúng tôi tìm được miếng vải trắng nhét vào miệng để không cắn lưỡi". Với vận tốc rơi khoảng 65km/giờ, tàu lặn chạm đáy đại dương chỉ 12 phút.
Chapman cho biết: "Chúng tôi không bị thương nhưng dụng cụ văng tứ tung nên chúng tôi bám vào đường ống. Chúng tôi chỉ ngồi đó với đèn pin". Tàu lặn Pisces III cắm đuôi xuống bùn ở góc 850. Hai người liên lạc điện thoại với tàu mẹ thông báo an toàn rồi sắp xếp lại bên trong khoang tàu chật hẹp có đường kính khoảng 1,8m.
May mắn thay, bình oxy họ sử dụng là bình đầy. Trước khi lặn, trong lúc chờ tàu lặn Pisces III sửa chữa lại vài chỗ, Mallinson quyết định thay bình dưỡng khí. Ông nhớ lại: "Thật ra bình oxy dùng cho một chuyến lặn khá dư dả nhưng không hiểu sao tôi lại quyết định đổi lấy bình oxy khác đầy hơn. Làm rất tốn sức vì bình rất nặng. Tôi có thể gặp rắc rối vì mới xài phân nửa bình đã thay, nhưng quả thật nếu không làm vậy chúng tôi đã không sống sót".
Bình oxy đầy cung cấp oxy 72 tiếng, họ đã sử dụng 8 tiếng lúc làm việc, như vậy còn 64 tiếng. Thức ăn còn một miếng bánh sandwich và một lon nước chanh. Để tiết kiệm oxy, họ không trò chuyện và không di chuyển.
Mallinson nhớ lại: "Chúng tôi nắm tay nhau siết chặt để báo tin tất cả đều ổn. Trời rất lạnh. Chúng tôi ướt sũng. Sức khỏe tôi không tốt vì vừa bị ngộ độc thực phẩm 3-4 ngày do thịt và bánh khoai tây. Nhưng chúng tôi phải cố sống sót".
Chapman tiếp lời: "Chúng tôi bắt đầu nghĩ về gia đình. Tôi mới kết hôn nên tập trung nghĩ đến June, vợ tôi. Mallinson đã có vợ và bốn con nhỏ. Anh ấy hơi lo về cuộc sống của chúng".
Tác động về thể chất và tinh thần khi hai người bị mắc kẹt rất đặc biệt. Không gian im ắng. Rất ít thức ăn và nước uống. Máy đo oxy trở thành đồng hồ xác định thời gian. Dù vậy, kinh nghiệm đã dạy họ thích ứng và kiên nhẫn vì biết lực lượng giải cứu đang làm việc ngày đêm.
Chiến dịch giải cứu quốc tế do ông Peter Messervy - tổng giám đốc Công ty Vickers Oceanics - phụ trách với nguồn nhân lực và thiết bị từ hải quân, không quân và các tổ chức thương mại của Anh, Mỹ, Canada và Ireland. Tàu khảo sát Hecate của hải quân Anh đến hiện trường. Tàu lặn Pisces II được điều động từ Biển Bắc về. Hải quân Mỹ sử dụng thiết bị thu hồi dưới biển điều khiển bằng cáp CURV-III. Hải quân Canada sử dụng tàu lặn Pisces V.
Suốt hai ngày, lực lượng cứu nạn dùng đủ mọi cách để móc cáp vào tàu lặn nhằm đưa lên mặt nước nhưng luôn gặp sự cố như không móc được cáp, tàu lặn giải cứu mất điện hoặc bị tràn nước. Cuối cùng, thiết bị CURV III đã xuống đến tàu lặn Pisces III. Hai nạn nhân được giải cứu.
Chapman giải thích: "Chúng tôi có 72 giờ oxy khi bắt đầu lặn và rồi đã cố thêm 12 tiếng rưỡi nữa. Khi nhìn vào bình dưỡng khí, chúng tôi còn đúng 12 phút oxy".
Roger Chapman (trái) và Roger Mallinson cùng vợ sau khi được giải cứu - Ảnh: ALAMY
Người thoát chết đi cứu nạn tàu ngầm
Trong hai nạn nhân, có lẽ Roger Chapman nổi tiếng hơn Roger Mallinson bởi Chapman tiếp tục con đường nghiên cứu và phát triển công tác cứu nạn dưới biển. Chapman sinh tại Hong Kong năm 1945, gia nhập hải quân Anh năm 1963 và bốn năm sau tình nguyện trở thành hoa tiêu tàu ngầm.
Sau khi rời hải quân do thị lực yếu, Chapman thành lập Công ty SubSea Systems chuyên vận hành tàu lặn hai người để bảo trì cáp điện thoại dưới biển. Sau đó, công ty được Công ty Vickers Oceanics mua lại để khai thác thị trường khảo sát dưới nước trong lĩnh vực dầu khí xa bờ và Chapman được bổ nhiệm phụ trách bộ phận khảo sát.
Sau vụ giải cứu tàu lặn Pisces III thành công, Chapman thành lập Công ty Rumic chuyên cung cấp các dịch vụ và hoạt động dưới biển. Rumic đi tiên phong sử dụng thế hệ tàu lặn mới có người lái và không người lái. Rumic đã nhận được hợp đồng khai thác của Cơ quan Cứu nạn tàu ngầm Anh (UKSRS trực thuộc hải quân hoàng gia Anh).
Với kinh nghiệm thoát chết, Chapman đã nâng cấp tàu lặn có người lái LR5 thành tàu cứu hộ tàu ngầm và khai thác tàu lặn lớp Scorpio hiện đại hơn. Tàu LR5 cải tiến từng được sử dụng giải cứu tổng cộng 16 người trong các vụ tàu ngầm mắc cạn.
Năm 2000, tàu LR5 đã được hải quân Anh huy động tham gia chiến dịch cứu hộ tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm trên biển Barents. Năm 2005, tàu lặn Scorpio-45 được điều động đến Kamchatka giải cứu thành công tàu lặn PRITZ AS28 của Nga chìm dưới Thái Bình Dương. Công ty Rumic được Tổng thống Nga Putin vinh danh. Năm sau, Chapman được trao tước hiệu CBE của hoàng gia Anh.
Sau đó, Công ty James Fisher and Sons mua lại Rumic và đặt tên mới là James Fisher Defense (JFD), một trong các công ty cứu nạn dưới biển hàng đầu trên thế giới.
JFD đã đi tiên phong phát triển và triển khai nhiều giải pháp cho hải quân các nước như Anh, Singapore, Hàn Quốc, Úc đồng thời cung cấp chuyên gia vận hành cho các dịch vụ tàu ngầm cứu nạn của NATO.
Ông Ben Sharples - giám đốc điều hành JFD - nhận xét: "Sự cố tàu lặn Pisces III đã giữ vai trò trung tâm trong lịch sử JFD. Sự cố này đã tạo nền tảng phát triển các giải pháp cứu nạn dưới biển và tích hợp nhiều hệ thống cứu nạn phức tạp. Sự cố ấy cũng là nền tảng cho các giá trị của chúng tôi với mục tiêu chú trọng cam kết bảo đảm an toàn cho thủy thủ tàu ngầm và thợ lặn, đào tạo liên tục, đổi mới liên tục và cuối cùng là cứu sinh mạng con người".
Một tàu ngầm neo tại xưởng đóng tàu phát nổ làm chết 18 người. Từ tai nạn này, Ấn Độ đã cải tiến công tác cứu nạn tàu ngầm.
Chapman và Mallinson năm nào cũng gặp lại nhau. Họ còn giữ cuộn băng video nhật ký công việc làm tư liệu, nhờ vậy có thể chia sẻ kinh nghiệm mắc kẹt dưới đáy biển sâu. Riêng Chapman đã viết cuốn sách No time on our side xuất bản năm 1975.
Vợ chồng Chapman lập một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và tàn tật ở Cumbria và Lancashire. Ông qua đời ngày 24-1-2020, hưởng thọ 74 tuổi. Mallinson tiếp tục làm việc cho Công ty Vickers Oceanics đến khi nghỉ hưu năm 1978.
TTO - Từ một số vụ giải cứu tàu ngầm thành công, đến nay việc cứu nạn thủy thủ tàu ngầm đã phát triển mạnh về công nghệ và hợp tác quốc tế nhưng hiểm nguy vẫn luôn ẩn hiện dưới đáy sâu đại dương.