- Khám phá Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng nửa đầu thế kỷ 20
- Tranh Việt trong dòng chảy “ hồi hương”
Cộng thêm thuế phí, người thắng cuộc phải bỏ ra 3,1 triệu USD (gần 72 tỷ đồng) để sở hữu tuyệt tác danh họa Mai Trung Thứ vẽ từ chín thập niên trước. Luồng dư chấn lạc quan đang len lỏi trong cộng đồng những người quan tâm đến mỹ thuật. Theo ước đoán, chủ nhân mới của bức tranh là người Việt Nam, và có thể, cô Phượng lại thênh thang con đường trở về cố quốc…
1. Một trong những người Việt Nam hiếm hoi được ngắm tận mắt “Portrait de Mademoiselle Phương” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ: Ông từng chiêm ngưỡng “Portrait de Mademoiselle Phương” tại tư gia của bà Đỗ Thị Tuyết tại quận 7, Paris. Bà Đỗ Thị Tuyết là người Việt, có tên thường gọi Dothi Dumonteil do kết hôn với ông Pierre Dumonteil.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi lý giải: “Theo tôi tên tranh là “Chân dung cô Phượng”. Cô Phượng chứ không phải Phương. Người Pháp vốn viết không dấu, khi đưa sang Hong Kong họ dịch thành Phương tiểu thư. Bức tranh tuyệt đẹp vì toàn thể toát ra nét Đông Dương, nhìn vào thấy ngay Việt Nam. Chân dung cô Phượng được Mai Trung Thứ trình bày bằng những gam màu đơn giản. Chính sự đơn giản này tạo ra nét đẹp thuần túy dịu dàng. Nét đẹp ấy đi thẳng vào hồn người nhờ những bước chân dịu dàng nhất”.
Là cháu ngoại họa sư Nam Sơn - người được ghi công đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương cùng Victor Tardieu - Ngô Kim Khôi vốn nổi danh như một modeliste (người thực hành mẫu) cho các nhà mốt lừng lẫy thế giới: Hermès, Chanel, Givenchy….
“Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ được đấu giá thành công 72 tỷ đồng. |
Nhiều năm trở lại đây ông chuyên tâm nghiên cứu mỹ thuật và tập trung vào thời kỳ Đông Dương. Sống, làm việc lâu dài tại Pháp, có điều kiện tiếp cận với nguồn tư liệu phong phú ở châu Âu, Ngô Kim Khôi cho rằng: Lúc còn hoạt động, trường Mỹ thuật Đông Dương hay mở các triển lãm giới thiệu tranh của các họa sỹ học tại trường. Những sự kiện nghệ thuật kiểu này hầu hết dành riêng cho tầng lớp trung lưu, thượng lưu hoặc người Pháp. Người Pháp có thói quen mua tranh sưu tập, tặng biếu nhau.
Tranh Đông Dương thuở ấy rất được người Pháp ưa chuộng. Cũng là may mắn lớn bởi khí hậu châu Âu, thói quen lưu giữ tranh chuyên nghiệp đã vô hình trung giúp chăm sóc bảo quản nhiều tác phẩm kinh điển trong thời kỳ huy hoàng của mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay kinh tế mạnh hơn, đời sống người dân khấm khá hơn, một số ít người Việt siêu giàu bắt đầu tìm cách mua lại tranh Đông Dương, coi đó như kênh đầu tư ổn định cũng như tham vọng đưa những báu vật đắt giá ấy hồi hương, quay lại đất nước… Họa sỹ Mai Trung Thứ vẽ “Chân dung cô Phượng” (sơn dầu 135,5x80) khoảng năm 1930.
Tham gia triển lãm “Quốc tế thuộc địa Paris 1931”, tới năm 1937, cô Phượng sang Pháp cùng Mai Trung Thứ và bắt đầu chặng đường dài viễn du trời tây cho tới lúc được gia đình bà Dothi Dumonteil mua về. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi kể: Bà Đỗ Thị Tuyết rất đẹp, từng được chọn là một trong 5 người mẫu của 5 châu lục (đại diện châu Á) tạo nguồn cảm hứng (égérie) cho nhà thiết kế Yves Saint - Laurent. “Có lần tôi đã dựng áo bầu bằng vải haute couture cho chị Tuyết đi dự dạ hội khi chị có mang con gái đầu lòng Roxanne. Tiếc là chị Tuyết đã qua đời vì bệnh trọng ở ngưỡng tuổi 60, khi vẫn còn trẻ đẹp”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi hồi tưởng. Gia đình bà Đỗ Thị Tuyết có hệ thống gallery mang tên Dumonteil hiện giờ vẫn hoạt động, và vẫn quan tâm thiết thực đến tranh Đông Dương.
Quán quân về giá của “Chân dung cô Phượng” có thể tạo ra những xao động vui chứ không hẳn là bất ngờ lớn bởi mức giá triệu đô dành cho tranh Việt trên thị trường quốc tế đã ngày một phổ biến hơn. Năm 2020, vào ngày 6-10 nhà Aguttes ở Pháp đấu thành công “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn” của Lê Phổ với con số 1.164.760 USD (khoảng 32 tỷ đồng). Lê Phổ cùng Mai Trung Thứ nằm trong bộ tứ danh họa Việt Nam lập nghiệp và thành danh ở châu Âu: Phổ, Thứ, Lựu, Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm). Đây cũng là những tên tuổi đắt giá nhất (theo nghĩa đen) của hội họa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phong cảnh chùa Thầy của Phạm Hậu hơn 23 tỷ đồng. |
Trước đó, năm 2019, bức “Nude” (Khỏa thân) - một sự táo bạo hiếm thấy của Lê Phổ được nhà Christie’s gõ búa ở mức 1,4 triệu USD. Tại phiên đấu chiều tối 18-4, bức sơn mài “Phong cảnh chùa Thầy” của Phạm Hậu cán mức 1 triệu USD. Ngay họa sư Nam Sơn, ngày 26-3-2018 nhà Aguttes của trung tâm đấu giá Drouot (Paris) đã đấu thành công bức “Paysannes du Tonken” (Thôn nữ Bắc kỳ) với giá 205.000 Euro. Bức tranh lụa khổ nhỏ 65x52,5cm được Nguyễn Nam Sơn vẽ năm 1936, đã trưng bày tại “Salon 1936” ở 12 phố Tràng Thi. “Thôn nữ Bắc kỳ” cùng với “Thiếu nữ cầm quạt”, một tuyệt tác nữa của họa sư Nam Sơn được nhà sưu tầm người Việt giấu tên mua về và theo giới thạo tin, hiện những tác phẩm tuổi đời cả gần thế kỷ đó, đã có mặt tại Hà Nội.
2. Tình yêu với hội họa Việt Nam, mà thực chất là với tranh thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã tạo một cơn sốt nhè nhẹ trên các sàn đấu giá quốc tế cũng như thị trường giao dịch tự do thế giới. Tuy nhiên, nếu so với một tên tuổi của Trung Quốc cùng thời - danh họa Sanyu - thì tiềm năng khai phá của mỹ thuật Đông Dương vẫn còn rất lớn. Sanyu sinh tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 1901.
Ông đến Pháp vào thập niên 20 thế kỷ 20, thực hành nghệ thuật tại châu Âu cho tới khi qua đời trong nghèo khó ở Paris năm 1966. Sanyu không bao giờ có cơ hội được biết, mình đã nổi tiếng cỡ nào và tranh mình đắt giá tới đâu. Năm 1980, nhiều tác phẩm của Sanyu được trưng bày trong một triển lãm ở Đài Bắc và từ đó ông trở thành cái tên được săn đón bậc nhất. Giới phê bình ví von Sanyu như một “Matisse của Trung Quốc”. “Người châu Á sở hữu một bức tranh của Sanyu cũng tương tự người châu Âu có được tranh Henry Matisse”.
Bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” của họa sư Nam Sơn được gõ búa ở mức gần 6 tỷ đồng. |
Từ thuở vô danh cho tới lúc được tôn vinh: “Người định giá thị trường nghệ thuật thế giới”, giá tranh của Sanyu tăng 1.100%. Tháng 7-2020 trong phiên đấu giá Hong Kong của Sotheby’s, bức tranh “Quatre Nus” đã đem về con số không tưởng: 258 triệu HDK (khoảng 33 triệu USD). Ngoài giá trị nghệ thuật càng ngày càng được tán tụng, sức cám dỗ Sanyu (còn có tên là Thường Ngọc) lý giải cho tinh thần Trung Hoa cũng như sự lớn mạnh của các nhà sưu tập châu Á - một thế lực mới nổi trên thị trường nghệ thuật dành cho giới siêu giàu.
Tiềm năng lớn nhưng trên thực tế những con số bán ra thuộc hàng triệu đô mà các tác phẩm nổi tiếng của hội họa Việt Nam có được, vẫn chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của giới mộ điệu. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi buồn rầu: “Chính nạn tranh giả đã làm giảm sức cạnh tranh của hội họa Việt. Có những tổ chức rất tinh vi của người Việt, hoặc người Việt ở nước ngoài, cả người nước ngoài đã cùng tham gia… sản xuất tranh giả.
Tranh Việt thời kỳ Đông Dương vẫn còn được yêu mến, được săn lùng và đẩy giá dài dài nếu nỗi ám ảnh tranh giả không thường trực trong tâm trí các nhà sưu tầm. Các họa sĩ Việt Nam vẽ không kém các họa sĩ lớn của thế giới, bởi thế phải đẩy lùi tận gốc nạn tranh giả, không hẳn vì một thị trường lành mạnh hơn, mà vì tầm vóc của tranh phải được đặt đúng vào vị trí xứng đáng của nó”. Theo những đồn đoán, chủ nhân đích thực của các danh tác Việt triệu đô gồm rất nhiều người Việt Nam, những người có điều kiện kinh tế, có thẩm mỹ và tình yêu bất tận với văn hóa dân tộc, cùng mong muốn tìm lại các kiệt tác hội họa tha hương để đưa về Tổ quốc.
Vì nhiều lý do, những nhà sưu tầm đang sở hữu các bộ sưu tập đặc biệt quý hiếm này chưa công khai xuất hiện, cũng đồng nghĩa với việc, công chúng nghệ thuật rộng rãi chưa thực sự được đón nhận, trực tiếp cảm nhận những danh tác vốn chỉ lưu truyền qua hàng loạt các giai thoại bất tận trải gần suốt trăm năm qua. Trở về nhà và rờ rỡ xuất hiện trước người yêu hội họa, trước đồng bào đang ngóng trông mong mỏi, có lẽ những họa sỹ của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, những bậc tài danh đang tụ hội với nhau ở “thế giới người hiền”, cõi thần tiên cũng trông chờ tương lai có hậu như thế cho những đứa con tinh thần vô giá của mình…
Ngô Hương SenXem thêm: /847836-ax-noc-gnohk-ahn-ev-gnouD/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna