- 29 tiết mục dự thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021
- Khởi công tác phẩm kết hợp nghệ thuật Xiếc và Cải lương
- Bài toán nào cho xiếc Việt?
Nghề nguy hiểm
So với 10 đơn vị tham gia cuộc thi trong 2 lần tổ chức trước, Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc lần này chỉ có 5 đơn vị tham gia, ít hơn nhiều về số lượng đơn vị và nghệ sĩ. Dẫu vậy, đây không phải là điều không lường trước của ban tổ chức, bởi từ lâu, ngành xiếc đã gặp muôn vàn khó khăn.
Nghề xiếc được xem là nghề “bán mạng cho may rủi” bởi nguy cơ bị tai nạn dẫn đến chấn thương, mất mạng... luôn thường trực. NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, các yếu tố như thiết bị an toàn, sân khấu hiện đại, đệm thật êm... cũng khó có thể tránh được tai nạn trong xiếc, nhất là do những nguyên nhân khách quan như đang diễn thì bị chuột rút hoặc những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của diễn viên. Theo ông Ánh, đã theo nghiệp xiếc thì đồng nghĩa phải chấp nhận sự rủi ro, thậm chí cả tử vong vì nghề. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tai nạn cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Nhiều nghệ sĩ như: Trần Ngọc Mỹ Hạnh, Lê Văn Tài, Lan Hương, Bùi Nhị Linh, Ngô Tuyết Hoàn, Dương Lệ Quyên... từng phải đối diện với tai nạn khi đang tập luyện hoặc biểu diễn. Bản thân NSƯT Kim Hạnh - người nổi tiếng với tiết mục đu cánh diều đã bị ngã gãy tay khi đang cố gắng tập động tác mạo hiểm hơn trên không. NSƯT Ngô Tuyết Hoàn gặp tai nạn trong quá trình tập luyện dẫn đến bị liệt nửa người, trở thành tàn phế, phải ngồi trên xe lăn...
Một tiết mục biểu diễn xiếc. |
Để tập được một tiết mục xiếc thuần thục, người nghệ sĩ phải khổ luyện nhiều năm. Chưa kể những động tác trên cao, luôn tồn tại nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Nghề nguy hiểm, tuổi nghề ngắn (nữ thường không quá 35 tuổi, nam không quá 45 tuổi) nhưng đãi ngộ dành cho nghệ sĩ xiếc không có cơ chế đặc thù, thu nhập thấp nên không thể thu hút nhiều tài năng trẻ. Ðiều này lý giải tại sao dù trong ngành xiếc cầu luôn vượt cung nhưng vẫn chẳng nhiều người trẻ mặn mà dấn thân.
Theo NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tai nạn của nhiều nữ nghệ sĩ xiếc khi luyện tập hoặc biểu diễn đã để lại di chứng thương tật suốt đời và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và công việc. Theo khảo sát của Hội Khoa học an toàn vệ sinh lao động Việt Nam khi đo đạc các chỉ số về cường độ lao động và tần suất tai nạn lao động xảy ra đối với diễn viên xiếc, có đến 95% diễn viên xiếc bị tai nạn lao động nhẹ đến nặng.
Trước thực trạng khó khăn chung hiện nay của các loại hình nghệ thuật, trong đó có xiếc, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay, phần đông các đơn vị xiếc hoạt động ngoài công lập, rất ít đơn vị công lập nên khó khăn chồng chất khó khăn.
NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. |
Thậm chí, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng “bất bình” thay cho những thiệt thòi của nghệ sĩ xiếc. NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Các nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập đều bị “bỏ chung một rọ” là làm việc theo Luật Công chức, Viên chức, không tính đề tuổi nghề của nghệ sĩ. Làm sao một nghệ sĩ xiếc 40 tuổi còn nhào lộn được trên không, còn dẻo dai được với những động tác đầy kỹ thuật?”.
Còn người trong cuộc, NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ: “Có thực mới vực được đạo, ăn một bát mì “không người lái” mà nhào lộn 3-4 vòng thì sao mà yêu nghề được. Ở phương Tây họ được bồi bổ nên sức bền, tuổi nghề cao hơn. Làm thế nào duy trì được ngành nghề, thổi được niềm yêu nghề tới các cháu thì phải từ những cơ chế, chính sách cụ thể”, NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.
Thiếu nhân lực
Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam hiện là một trong những đơn vị chủ lực đào tạo, cung cấp tài năng trẻ cho các đơn vị xiếc chuyên nghiệp nhưng những năm gần đây thường xuyên rơi vào khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.
Mỗi năm, có hàng nghìn thí sinh đăng ký dự thi nhưng với đòi hỏi khắt khe từ ngoại hình, năng khiếu, kỹ năng, tiềm năng..., nhà trường chỉ tuyển sinh được từ 30-35 học viên. Ðại diện Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam cho biết, dù tuyển hơn 30 em nhập học nhưng trung bình mỗi khóa tốt nghiệp được hơn 20 em đã là mừng. Bên cạnh đó, là khoảng trống ở lực lượng giáo viên đào tạo. Ðể huấn luyện được một học sinh từ khi nhập học đến lúc tốt nghiệp cần hàng chục giáo viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu của từng bộ môn. Nhưng, nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc hiện nay quá mỏng, thu nhập cũng không đủ hấp dẫn.
Ngoài thiếu nguồn nhân lực kế cận trong nghệ thuật xiếc, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở các địa phương cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng diễn viên của loại hình nghệ thuật này.
Tiết mục nhào lộn trên không của các nghệ sĩ xiếc. |
Sáp nhập với Đoàn Cải lương, các nghệ sĩ xiếc Long An hợp chung về một mái nhà là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An. Hiện nay, xiếc Long An chỉ còn có 22 diễn viên. Trưởng đoàn Nguyễn Văn Thoa cho biết: “Lần nào biết tin Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam có tổ chức báo cáo tốt nghiệp cho học sinh, Đoàn cũng cử người ra Hà Nội để xin người nhưng chẳng có em nào muốn về địa phương xa như Long An để làm việc. Việc tuyển đầu vào cũng gặp khó khăn, đó là lý do mà năm 2010 tỉnh đã phải tổ chức lấy nguồn từ trẻ em mồ côi để đào tạo tại chỗ. Tuyển được hơn chục em thì cũng chỉ non nửa trụ lại với nghề”.
Trước thực tế này, NSND Vũ Ngoạn Hợp - Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, hiện nay đào tạo trong ngành xiếc chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển chung của toàn ngành. "Hiện nay tôi thấy đào tạo chưa thật sự đáp ứng được cho ngành, cần đa dạng hình thức đào tạo. Chúng ta nên xã hội hóa trong việc tìm thế hệ kế cận của ngành xiếc chứ không chỉ phụ thuộc vào trường đào tạo chính quy”, ông Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ.
Hướng đi nào cho xiếc Việt?
Xiếc Việt Nam ghi dấu ấn trong các Liên hoan Xiếc quốc tế với nhiều huy chương vàng. Ngoài các giải thưởng lớn, ngành xiếc Việt Nam liên tục trình làng những chương trình đặc sắc như “Sông trăng”, “Làng tôi”, “À ố show” hướng đến khách quốc tế. Các chương trình này luôn trong tình trạng “cháy vé” ở xứ người.
Tại Liên hoan Xiếc quốc tế Con voi vàng lần thứ 8 diễn ra tại Girona, Tây Ban Nha năm 2018, tiết mục “Khoảnh khắc tình yêu” (Moments of love) đã giúp hai nghệ sĩ xiếc Hiền Phước và Thanh Hoa giành Huy chương Bạc. Một lần nữa, xiếc Việt Nam lại có dịp được xướng tên trước sự ngưỡng mộ của đông đảo khán giả quốc tế. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ xiếc Việt Nam như Trà My, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp... đã khẳng định được dấu ấn của mình ở những sân chơi quốc tế. Nhiều chương trình xiếc Việt như “Làng tôi”, “Sông trăng”... đã gây tiếng vang lớn ở nhiều nước. Ðiều này cho thấy, khi được đầu tư bài bản, có chiến lược, xiếc Việt không khó để khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy hội nhập.
Theo các chuyên môn, điều làm nên bản sắc riêng, dấu ấn riêng của xiếc Việt là đưa giá trị văn hóa vào nghệ thuật xiếc. Nếu xét về kỹ thuật và thể lực, Việt Nam không thể vượt qua một số quốc gia như Cuba, Mexico... nhưng chiến thắng gần như tuyệt đối mà xiếc Việt Nam giành được là kết quả tổng thể của kịch bản, âm nhạc, vũ đạo và nghệ thuật. Đặc biệt, trong khi tiết mục của nước bạn mạnh về kỹ thuật nhưng không khác nhau nhiều về cách thể hiện thì tiết mục của Việt Nam đã toát được hồn dân tộc thấm đẫm qua âm nhạc, trang phục và đạo cụ thô sơ như tre, nứa. Đây cũng là hướng đi Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang áp dụng.
Ông Tạ Duy Ánh cho biết, xiếc Việt Nam hiện nay không chỉ là những tiết mục diễn đơn lẻ như đu dây, lắc vòng, tung hứng... mà các tiết mục đều được đầu tư thành những chương trình có nội dung và nghệ thuật xuyên suốt như một vở diễn. Và, khi kỹ thuật xiếc về cơ bản ở đâu cũng giống nhau, điều tạo nên bản sắc riêng chính là hồn dân tộc. Trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng với nhiều khó khăn, việc vừa hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng thế giới, vừa phát huy yếu tố truyền thống chính là hướng đi của xiếc Việt Nam.
Bên cạnh đó, để giữ được ngọn lửa đam mê nghề đối với nghệ sĩ, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đơn vị vẫn khuyến khích các diễn viên tập luyện gian khổ để giữ xiếc mạo hiểm tồn tại bằng cách tăng một chút tiền bồi dưỡng. Khi điều không may xảy ra, ngoài việc được hưởng bảo hiểm y tế như nhân viên bình thường, diễn viên cũng được công đoàn quan tâm hơn. Liên đoàn cũng đã kiến nghị mua bảo hiểm mức cao hơn cho các diễn viên tập mạo hiểm trên cao, song đơn vị đang trong quá trình tự chủ kinh phí mà còn nhiều việc phải lo cho nên chưa thực hiện được điều này.
Bên cạnh đó, do các tiết mục mạo hiểm thường chỉ có thể biểu diễn tại sân khấu của liên đoàn để bảo đảm yêu cầu về an toàn kỹ thuật, cho nên các diễn viên rất khó nhận thêm sô tại các hội nghị, ca nhạc tạp kỹ... thành ra thua thiệt hơn so với tiết mục đơn lẻ. Liên đoàn cũng có chính sách hỗ trợ diễn viên thực hiện tiết mục mạo hiểm lớn được hưởng một khoản tiền để khi không “chạy sô”, họ vẫn có thu nhập tương tự.
Cũng theo NSƯT Tống Toàn Thắng, hiện chưa có cơ chế đặc thù cho diễn viên xiếc. Dù làm nghệ thuật, song diễn viên xiếc cần phải được hưởng chế độ của một vận động viên thể thao. Trong một buổi tập luyện, họ có thể phải nhào lộn, leo cao, ngã xuống đến vài chục lần; gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường. Hơn nữa, tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn, hơn 30 tuổi thì biểu diễn tiết mục mạo hiểm là điều rất khó khăn. Ðặc thù của sân khấu xiếc là lúc nào cũng "khát" diễn viên trẻ, trong khi nhân sự Liên đoàn Xiếc Việt Nam hơn 30 tuổi đang quá nhiều mà không phải ai cũng có điều kiện đi học thêm ngành nghề khác để chuyển việc. Vì vậy, rất cần sự có chính sách hỗ trợ để giải quyết việc làm cho diễn viên khi đã hết tuổi diễn mà chưa đủ tuổi về hưu.
Thảo NguyênXem thêm: /120936-yad-nert-id-uhN-teiV-ceiX/oahT-ehT-aoh-naV-et-hniK/nv.moc.dnac.gtna